Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - Ảnh: REUTERS
Đây được xem là một động thái trả đũa của Mỹ sau việc Trung Quốc trục xuất 3 nhà báo của tạp chí Wall Street Journal (WSJ) vì bài bình luận có tựa đề "Trung Quốc là con bệnh thực sự của châu Á".
"Trong nhiều năm, chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã áp đặt sự giám sát, quấy rối và đe dọa ngày càng gay gắt đối với các nhà báo Mỹ và nước ngoài khác đang hoạt động tại Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong một tuyên bố ngày 2-3.
Trên cơ sở đó, Mỹ quyết định sẽ cắt giảm số phóng viên thường trú Trung Quốc tại Mỹ. Một số quan chức giãi bày điều này không liên quan tới vụ 3 nhà báo của WSJ mà nhằm cảnh cáo Bắc Kinh về cách nước này đối xử với các nhà báo nước ngoài.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 13-3, tổng số phóng viên thường trú tại Mỹ của Tân Hoa xã, mạng lưới Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), China Radio International và China Daily không được quá 100 người, giảm 60 người so với trước. Nói cách khác, Mỹ sẽ hủy visa báo chí của ít nhất 60 phóng viên/nhà báo Trung Quốc.
Đây đều là các cơ quan truyền thông trực thuộc nhà nước Trung Quốc với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền quan điểm và phản biện khi cho rằng các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài bị xâm hại.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết việc hủy visa báo chí đối với các nhà báo Trung Quốc không đồng nghĩa việc trục xuất họ. Tuy nhiên, kết cục thì chẳng có gì khác nhau bởi một khi đã bị hủy thị thực báo chí và không làm được những việc khác, những người này cũng sẽ bị buộc phải rời Mỹ về nước.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân đã lập tức phản đối hành động của Mỹ. "Chúng ta có một số khác biệt nhưng chúng tôi không nghĩ rằng Mỹ nên thực hiện các bước can thiệp vào công việc của các nhà báo đến từ Trung Quốc", đại sứ Trung Quốc kêu gọi đồng thời mô tả hành động này là "không phù hợp".
Đáp lại, một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẵn sàng hành động tiếp nếu Bắc Kinh trả đũa lại động thái lần này.
Theo Bảo Duy/Tuoitre