Trung Quốc đưa máy bay không người lái vào Biển Đông

(Kinhdoanhnet) - Tàu Hải giám 2168 của Trung Quốc lần đầu tiên mang theo chiếc máy bay không người lái để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra giám sát các tàu cá nước ngoài tại khu vực Biển Đông.

Trang mạng Sina.com.cn ngày 21/6 cho biết chiếc tàu Trung Quốc sử dụng máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là tàu Hải giám 2168 do lực lượng chấp pháp tỉnh Hải Nam quản lý.

Trên thân máy bay không người lái có đề dòng chữ "giám sát vùng biển". Máy bay được gắn camera độ phân giải cao, có thể quan sát khu vực biển rộng lớn, sau đó gửi dữ liệu hình ảnh về thiết bị trên tàu thông qua đường truyền vệ tinh.

Trung Quốc đưa máy bay không người lái vào Biển Đông - Ảnh 1
Tàu Hải giám 2168

Hải giám 2168 là chiếc tàu chấp pháp đầu tiên loại 1.000 tấn được Trung Quốc biên chế cho Tổng đội Hải giám tỉnh Hải Nam nhằm tăng cường tuần tra tại khu vực biển thuộc đảo Hải Nam, cái mà Trung Quốc gọi là “thành phố Tam Sa” bao trùm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là lần đầu tiên một chiếc tàu hải giám của Trung Quốc mang theo máy bay không người lái để thực hiện nhiệm vụ tuần tra nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm thời gian, nhiên liệu.

Chiếc máy bay không người lái này được gắn camera, với tầm quan sát rộng lớn trên không, khi phát hiện ra tàu thuyền nước ngoài bị Trung Quốc cho là "trái phép", sẽ truyền dữ liệu về máy chủ được đặt trên tàu. Thông qua hình ảnh từ máy bay không người lái đưa về, nhân viên trên tàu xác định vị trí tàu cá nước ngoài để tới "xua đuổi và bắt giữ".

Trung Quốc đưa máy bay không người lái vào Biển Đông - Ảnh 2
Máy bay không người lái mà Trung Quốc sử dụng để thực hiện nhiệm vụ giám sát

Ngư trường thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hai ngư trường chính của ngư dân Việt Nam, vậy nên với việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động "xua đuổi tàu cá" tại khu vực biển này chắc chắn gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng đánh bắt của ngư dân Việt Nam.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bất chấp sự phản đối của Việt Nam và quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động tuần tra và cải tạo trái phép trong khu vực này. Bắc Kinh thậm chí còn nêu khả năng sử dụng cơ sở hạ tầng tại các đảo nhân tạo mà nước này đang mở rộng phi pháp cho mục đích quân sự.

Anh Phương (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục