Trung Quốc đã "dọn dẹp" cho "Con đường tơ lụa mới" như thế nào?

(Kinhdoanhnet) - Không chỉ "rót tiền" thâu tóm một loạt cảng biển và khu công nghiệp, Trung Quốc còn đang quay sang ngành tài chính. Đây được coi là những bước đệm phục vụ cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hay còn gọi là "Con đường tơ lụa" mới của Trung Quốc.

Từ hoàng loạt cảng biển...

Trong nỗ lực nhằm tăng cường vị thế trong ngành hàng hải quốc tế, cũng như đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng và nâng cao năng lực thương mại quốc tế, Trung Quốc đã mua lại quyền phát triển và vận hành một loạt các hải cảng, trải dài từ miền Nam châu Á đến Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu, và thậm chí cả Nam Mỹ.

Trung Quốc đã "dọn dẹp" cho "Con đường tơ lụa mới" như thế nào? - Ảnh 1
Trung Quốc đã mua lại quyền phát triển và vận hành một loạt các hải cảng trên thế giới. Ảnh: Getty Images

Mặc dù các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc đã bắt đầu mua lại các cảng trên toàn thế giới từ cách đây khoảng một thập kỉ, giờ đây dưới khuôn khổ chiến lược "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" (MSR) – một phần trong chương trình "Một vành đai, Một con đường" - những thương vụ này đang ngày càng có thêm nhiều ý nghĩa.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã tạo ra một đế chế vận tải biển trên toàn cầu do các doanh nghiệp nhà nước sở hữu. Các tập đoàn quốc doanh khổng lồ như China Merchants và COSCO Shipping hiện đang khai thác 29 cảng tại 15 quốc gia, và 47 bến đỗ tại 13 quốc gia. Các công ty nhà nước nhỏ hơn khác như Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải, Cảng Ningbo Zhoushan, và Cảng Lianyungang cũng nhảy vào cuộc chơi, chiếm lĩnh các cảng biển của thế giới.

Riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào các cảng biển ở nước ngoài, gấp đôi số tiền họ chi tiêu trong năm trước, theo ước tính của Financial Times.

Đến những công ty tài chính châu Âu

Theo Reuters, hai trong số công ty Trung Quốc tích cực nhất trong hoạt động thâu tóm là HNA Group và Anbang Insurance Group đã cân nhắc chào mua công ty bảo hiểm Đức Allianz SE.

Trung Quốc đã "dọn dẹp" cho "Con đường tơ lụa mới" như thế nào? - Ảnh 2
Anbang Insurance Group đang cân nhắc chào mua công ty bảo hiểm Đức Allianz SE.


Hiện cả hai công ty này chưa đưa ra lời chào mua chính thức, nhưng sự cân nhắc của họ đánh dấu một mức độ tham vọng mới của Trung Quốc: Allianz là một hãng bảo hiểm lớn và lâu năm của Đức, giữ vai trò trụ cột trong vấn đề lương hưu ở nước này, và quản lý số tài sản lên tới 1,9 nghìn tỷ Euro, tương đương 2,3 nghìn tỷ USD.

HNA hiện đã nắm giữ cổ phần dưới 10% tại ngân hàng Đức Deutsche Bank. Giới tài chính nói thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ thâu tóm trong ngành tài chính châu Âu mà bên mua là doanh nghiệp Trung Quốc, đi đầu là những tập đoàn quốc doanh khổng lồ như China Life, China Everbright, và những công ty tư nhân có tiếng như Legend Holdings và China Minsheng Financial.

"Dọn dẹp" cho "Con đường tơ lụa"

Reuters cho biết, từ đầu năm đến nay, các vụ thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ở 68 quốc gia nằm dọc “con đường tơ lụa” mới đã đạt trị giá 33 tỷ USD, vượt qua mức 31 tỷ USD của cả năm 2016.

Trung Quốc đã "dọn dẹp" cho "Con đường tơ lụa mới" như thế nào? - Ảnh 3
Trung Quốc đang "dọn dẹp" cho "Con đường tơ lụa mới". Ảnh: CNBC

Được khởi động vào năm 2013, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (hay còn gọi là "con đường tơ lụa" mới) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm xây dựng một con đường tơ lụa hiện đại, kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển tới Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á và xa hơn nữa là Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Hồi tháng 5, ông Tập cam kết chi 124 tỷ USD cho sáng kiến có tên gọi chính thức là “Vành đai và Con đường” này.

Trung Quốc luôn tuyên bố con đường tơ lụa mới là cách để tăng cường giao thương giữa các quốc gia và lan tỏa thịnh vượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phương Tây vẫn nghi ngờ rằng mục đích chính của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng.

Các khoản đầu tư liên quan đến hoạt động thâu tóm của các công ty Trung Quốc ở hành lang “Một vành đai, một con đường” tăng vọt giữa lúc giá trị tổng cộng các vụ thâu tóm, sáp nhập của Trung Quốc ở nước ngoài trong tám tháng đầu năm nay giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã có 109 vụ thâu tóm tại các quốc gia dọc con đường tơ lụa, so với 175 vụ của cả năm ngoái và 134 vụ trong năm 2015.

Khi mua lại công ty tại một quốc gia thuộc con đường tơ lụa, doanh nghiệp Trung Quốc luôn được Bắc Kinh tạo điều kiện về thủ tục - theo tiết lộ của giới luật sư và người trong cuộc - vì những thương vụ như thế được xếp vào một nhóm riêng trong các khoản đầu tư ra nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới "rót" vốn

Theo Russia Today, Ngân hàng Thế giới đã dành hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”  của Trung Quốc.

“Đầu tư, đặc biệt cơ sở hạ tầng, là vô cùng quan trọng. Sáng kiến của Trung Quốc về vành đai kinh tế mới sẽ thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới sẽ giúp các nước tham gia vào sáng kiến này tận dụng những cơ hội phù hợp với chiến lược phát triển của mình”, ông Jim Yong Kim, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nói.

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới, sẽ có thêm 1 tỷ USD được huy động trong vòng một năm như một phần trong quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. 

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục