Trung Quốc cùng 20 nước Châu Á “bắt tay” thành lập ngân hàng chung

Mới đây tại Bắc Kinh đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á giữa Trung Quốc và 20 nước châu Á khác.

Theo Reuters, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) được xem là một đối thủ mới cho các thể chế tài chính toàn cầu và khu vực như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nơi Mỹ và các đồng minh là những nhà tài trợ lớn nhất. Ngân hàng mới phản ánh mong muốn thúc đẩy đầu tư trong khu vực cũng như sự bất mãn của các thành viên có tiếng nói yếu trong WB và ADB.

Trung Quốc cùng 20 nước Châu Á “bắt tay” thành lập ngân hàng chung - Ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất thành lập AIIB tại một hội nghị khu vực hồi năm ngoái và nước này cam kết cung cấp phần lớn trong số vốn hoạt động ban đầu là 50 tỉ USD. Trước mắt, ngân hàng mới sẽ tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông.

Lễ ký kết hôm qua diễn ra tại Bắc Kinh có sự tham dự của đại diện Ấn Độ, Bangladesh, Kazakhstan, Kuwait, Mông Cổ, Nepal, Oman, Pakistan, Qatar, Sri Lanka, Uzbekistan, 9 quốc gia ASEAN và nước chủ nhà Trung Quốc. Reuters dẫn lời giới quan sát đánh giá vận động được Ấn Độ tham gia là một thành công của Trung Quốc và 2 nước sẽ đóng vai trò chủ lực trong ngân hàng mới.

Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn ở châu Á - Thái Bình Dương là Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc không có mặt. Mỹ được xem là thành viên lớn nhất của WB trong khi Nhật Bản có vị thế quan trọng trong ADB.

Hôm qua, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố nước này “lo ngại về tính chất mơ hồ của đề xuất lập AIIB”  còn Chủ tịch WB Takehiko Nakao khuyến cáo ngân hàng mới cần tuân thủ các quy chuẩn quốc tế về quản trị, tính minh bạch, môi trường và lao động. Trong khi đó, Hàn Quốc chưa cho biết có tham gia hay không nhưng Bộ Tài chính nước này đã yêu cầu Trung Quốc cân nhắc thêm về các nguyên tắc quản trị và điều hành của AIIB.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông Curtis S.Chin, cựu thành viên Hội đồng quản trị ADB, nhận định việc thành lập AIIB có thể giúp xốc lại các ngân hàng tài trợ khác. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo rằng ngân hàng mới “tránh cho vay mà không quan tâm đầy đủ đến những tác động về môi trường và xã hội”.

Theo kế hoạch, AIIB dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2015. Trung Quốc hy vọng có thể nhanh chóng tăng gấp đôi vốn của AIIB lên 100 tỉ USD dù con số này vẫn khiêm tốn so với 175 tỉ USD của ADB và 220 tỉ USD của WB.

Theo Thanh Niên

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục