Đấu giá đất: Giá cao nhất 60 triệu đồng/m2
Ngày 29/8, UBND huyện Phúc Thọ - Hà Nội đã tổ chức đấu giá đất thành công 30 lô đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và chín thửa đất khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc.
Diện tích mỗi thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc từ 96 đến gần 149m2, với mức giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2. Diện tích mỗi thửa đất tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc gần 235m2, với mức giá khởi điểm 19,8 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá đã thu hút hơn 370 nhà đầu tư và có hơn 650 bộ hồ sơ đăng ký đấu giá 39 lô đất tại khu Dộc Tranh và khu Đồng Phươm.
Kết thúc phiên đấu giá đất, lô đất có giá trúng cao nhất lên tới 60 triệu đồng/m2, gấp 2,6 lần mức khởi điểm. Lô đất này có kí hiệu ĐG06, diện tích gần 149m2, theo đó nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra khoảng 9 tỷ đồng.
Được biết, người trúng lô đất trên là anh Phùng Hữu Thắng đến từ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Anh Thắng chia sẻ trước khi tham gia phiên đấu giá cũng đã khảo sát kỹ hạ tầng giao thông và giá đất xung quanh khu vực đấu giá. "Khảo sát một số lô đất từ đường 32 rẽ vào khu vực đất đấu giá, tôi thấy giá thị trường dao động khoảng 85 triệu đồng/m2 ở mặt đường chính, còn các nhánh đường nhỏ hơn có giá từ 50 đến 60 triệu đồng/m2", anh Thắng cho hay.
Nhà đầu tư này cũng chia sẻ tuy có phần đắn đo khi trả giá, nhưng anh vẫn quyết định đấu giá ở mức 60 triệu đồng/m2 để đảm bảo không bị trượt. "Trong đầu tư, việc chấp nhận một chút rủi ro là cần thiết để đạt được mục tiêu trong bối cảnh thị trường", anh Thắng nói cho biết và cũng khẳng định sẽ không bỏ cọc bởi tiền cọc cho lô đất này rất lớn, lên đến gần 700 triệu đồng.
Bán cọc ăn chênh 300 triệu đồng
Khác với những phiên đấu giá trước, tại phiên đấu giá này, mức giá khởi điểm đưa ra được nhiều người nhận định khá sát với mức giá thị trường. Trong đó, tại khu Dộc Tranh, với giá khởi điểm đưa ra là 23,4 triệu đồng/m2, nhà đầu tư muốn đăng ký đấu giá sẽ phải cọc số tiền từ 450-700 triệu đồng/lô.
Nhà đầu tư Phùng Hữu Thắng cũng cho biết không như ở Hoài Đức, phiên đấu giá này chỉ diễn ra trong 1 vòng, bên cạnh đó, với việc tiền đặt cọc cao nên các nhà đầu tư không dám đẩy giá lên cao. "Việc nâng mức cọc lên cao hơn sẽ giúp quá trình đấu giá diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn", anh Thắng nói.
Cũng có quan điểm trên, anh N.H.P (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) cho rằng giá khởi điểm của các lô đất như vậy là hợp lý bởi tiền cọc cao khiến cho nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc trả giá. Tuy nhiên, anh N.H.P vẫn lo ngại về việc một số nhà đầu tư sẽ bỏ cọc khi trả giá từ 50-60 triệu đồng/m2. "Giá hợp lý cho các lô đất ở đây chỉ mức dưới 50 triệu đồng/m2, bởi giá đất gần với khu vực này giao động từ 35-40 triệu đồng", anh N.H.P nhận định.
Sau khi phiên đấu giá, hàng trăm nhà đầu tư tham dự không trúng đấu giá làm thủ tục nhận lại cọc. Trong khi đó, những nhà đầu tư vừa trúng đấu giá đã có thể chốt lời vài trăm triệu ngay khi vừa ra khỏi hội trường tổ chức phiên đấu giá.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, nhà đầu tư Vương Đắc Huynh trúng đấu giá lô đất ký hiệu ĐG15 có diện tích 96m2 với giá 38,6 triệu đồng/m2 đã sang tay để ăn chênh 300 triệu đồng khi vừa ra khỏi cổng UBND huyện Phúc Thọ. Như vậy, nhà đầu tư F2 sẽ phải trả hơn 4 tỷ đồng cho lô đất này, tương đương với 41,7 triệu/m2. Đáng cho ý, một nhóm nhà đầu tư cho biết đã trúng 12 lô đất và sang tay cho khách được 8 lô.
Trong khi đó, tại khu đất đấu giá Dộc Tranh, việc mua đi bán lại cũng diễn ra vô cùng sôi nổi. Các lô đất trúng đấu giá được các nhóm đầu cơ ra giá chênh từ 100 - 600 triệu đồng/m2. Ngay cả lô đất được trả giá cao nhất cũng được bán chênh 300 triệu đồng.
Với mức chênh hấp dẫn này, đa số người trúng đấu giá đều gật đầu, sang tay cho các nhà đầu tư khác, việc này được một nhóm 'cò' thực hiện ngay tại khu vực đất đấu giá.
Tình trạng bán đất trúng đấu giá để ăn chênh đang trở thành một vấn đề nóng ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Đây là hiện tượng mà người mua tham gia đấu giá đất, sau khi trúng đấu giá với giá thấp hơn giá thị trường, nhanh chóng bán lại mảnh đất đó với giá cao hơn để kiếm lợi nhuận. Việc này xảy ra phổ biến trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, nhu cầu đầu tư cao và quỹ đất hạn chế.
Tuy nhiên, việc mua đi bán lại đất trúng đấu giá có thể đẩy giá đất lên cao, làm tăng áp lực cho người dân có nhu cầu thực sự về đất ở và khó tiếp cận được quỹ đất. Đặc biệt, nếu các mảnh đất trúng đấu giá được mua đi bán lại nhiều lần mà không có sự phát triển thực sự, điều này có thể làm chậm quá trình phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị của các khu vực liên quan.
Vietnamfinance
In bài viết