Ngày 4/6, trả lời một số phóng viên và học giả Ấn Độ tại Bắc Kinh, ông Huang Xilian, Phó giám đốc Văn phòng châu Á tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, vốn bị New Delhi phản đối vì chạy qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (PoK), thuộc vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan nhiều năm nay, là một “dự án thương mại”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
“Chúng tôi hiểu quan ngại của Ấn Độ và xin khẳng định những dự án này không mang tính chính trị. Chúng hoàn toàn nhằm mục đích tạo sinh kế cho con người”, ông Huang nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích rằng Bắc Kinh hiểu được lo ngại của New Dehli, nhưng dự án này, không có mục đích chính trị, chỉ nhằm mục tiêu kinh tế và phục vụ cho đời sống của người dân.
Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với New Delhi, khi vị quan chức ngoại giao Trung Quốc nói về các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông.
Ông Huang Xilian nói rằng ông không biết chính xác Ấn Độ có kế hoạch thăm dò dầu khí trong khu vực nào ở Biển Đông, nhưng nếu nằm trong vùng có tranh chấp chủ quyền thì không được. Quan chức này biện hộ: "Ấn Độ sẽ có phản ứng nếu như một công ty Trung Quốc hoạt động trong vùng có tranh chấp với các nước láng giềng Nam Á".
Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ khi tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ ký kết hợp đồng thăm dò dầu mỏ với Việt Nam. New Delhi đã lên tiếng bảo vệ những dự án của mình, khẳng định chúng hoàn toàn mang tính thương mại.
Ngày 31/5, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj một lần nữa khẳng định, New Delhi sẽ tiếp tục thăm dò các lô dầu ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC
Với chính sách Hành động phía Đông, Ấn Độ dưới thời của Thủ tướng Narendra Modi ngày càng có tiếng nói cụ thể và sắc bén về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là về cách giải quyết cho các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông để hoá giải bất đồng. Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh tới tự do hàng hải và quyền thăm dò dầu mỏ trong khu vực.
Trước đó, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1/2015, hai nước đã lần đầu tiên đưa ngôn từ Biển Đông vào tuyên bố chung.
Tuyên bố khẳng định: “Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh. Chúng tôi (Mỹ và Ấn Độ) khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên toàn bộ khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua tất cả biện pháp hòa bình, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển".
Mới đây nhất, trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 3/6, vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành một điểm chính trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa Bộ trưởng Carter với Ngoại trưởng Sushma Swaraj và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval tại New Delhi.
Trâm Anh (TH)