Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự

(Kinhdoanhnet) - Để hạn chế xảy ra các tình trạng vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT... mới đây đại diện Bộ Tư pháp đã cho biết trong dự thảo Bộ Luật Hình Sự (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm các tội liên quan đến lĩnh vực này.

Trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) liên tục gia tăng và phức tạp, xảy ra ở hầu hết các khâu và chủ yếu ở các nhóm như: Vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT; vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT và liên quan đến việc quản lý, thực hiện BHXH, BHYT.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo quý 1/2015, tổng số tiền nợ BHXH trên cả nước tính đến cuối năm 2014 đã lên tới 7.279 tỷ đồng, trong đó nợ bảo hiểm xã hội 5.578 tỷ đồng (chiếm 76,63% tổng số nợ), còn lại là nợ bảo hiểm thất nghiệp và nợ BHYT. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới 13.761 tỷ đồng (tăng 90% so với cuối năm 2014). Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra ở hầu hết các địa phương ngày càng nhiều và phổ biến nhất vẫn ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ).

Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự
Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự.

Thậm chí trong thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khi làm ăn thua lỗ thì chủ doanh nghiệp trốn về nước, bỏ lại nhà xưởng, máy móc cũ kém giá trị. Nếu như cơ quan BHXH khởi kiện các doanh nghiệp này đòi tiền bảo hiểm cho người lao động cũng thường chỉ thắng kiện “trên giấy” mà thôi.

Để hạn chế xảy ra các tình trạng này đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mới đây đại diện Bộ Tư pháp đã cho biết trong dự thảo Bộ Luật Hình Sự (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm các tội liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Đó là các tội: Trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 217); tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH) (Điều 218); tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) (Điều 219); tội trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (Điều 220).

Đánh giá về vấn đề này, ông Cao Văn Sang (Giám đốc BHXH TP.HCM) rất đồng tình ủng hộ, ông cho rằng phải xử lý thật nghiêm minh thì tình trạng trốn đóng bảo hiểm mới có thể giảm thiểu.

“Đây vốn là kiến nghị và mong mỏi của ngành BHXH TP.HCM từ mấy năm trước. Chúng tôi rất mừng vì những kiến nghị của ngành BHXH TP.HCM đã được ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) ghi nhận. Chúng tôi rất mong cơ quan lập pháp sớm thông qua để BLHS thực sự giải quyết được vướng mắc khó gỡ của ngành BHXH” - ông Sang chia sẻ.

Cũng đồng quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đưa những tội danh nêu trên vào Bộ Luật Hình Sự sẽ giúp nhằm ngăn chặn những sai phạm trong BHXH, đặc biệt, hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn cần phải đảm bảo tính công bằng, khách quan trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm và các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh, kiên quyết xử lý, theo đuổi các vấn đề sau khi thanh tra, kiểm tra, giám sát để buộc DN phải điều chỉnh hành vi và tuân thủ pháp luật.

Ngọc Anh (Th theo PLTPHCM; NLĐ; DDDN; Bao phapluatVn)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục