Trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên phải áp dụng quy định hình sự

Chiều 2/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng với tình trạng hiện nay hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trở lên phải áp dụng quy định về hình sự. Việc áp dụng biện pháp “ngừng sử dụng hóa” chưa bảo đảm tính răn đe

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nêu rõ bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan rộng lớn đến đông đảo người dân và người lao động. Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập. Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng (mới đạt khoảng 37,2% với với 17.308 triệu người tham gia). Tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương. Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) cho biết thực tế, đóng BHXH chiếm đến 20-25% chi phí của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp lách luật để né đống BHXH bằng nhiều cách. Đã có quy định chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH nhưng thời gian qua xử lý trách nhiệm hình sự là rất ít, chủ yếu xử lý pháp nhân mà chưa có cá nhân bị xử lý.

Cũng đồng tình về việc này, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị cần quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bảo hiểm xã hội. Điều 36 của dự thảo luật có quy định, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây: Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đăng ký. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động trong vòng 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.

Điều 36 cũng quy định, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây: Người sử dụng lao động chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định; Các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà người sử dụng lao động có khả năng đóng nhưng không đóng.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu xem xét trường hợp người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan, gặp việc bất khả kháng, ví dụ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn. Đại biểu cho rằng trong các trường hợp này, không nên xác định rằng các đối tượng đó trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 37 của luật về trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định, người sử dụng lao động phải đền bù nếu người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ, kịp thời, hoặc gây tổn hại đến quyền lợi của người lao động.

Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, dự thảo Luật mới đề cập đến doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà chưa đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó cần lượng hóa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, không thể để gia tăng theo tốc độ, số lượng ngày càng có dấu hiệu gia tăng như thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc chỉ rõ khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật có quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng”.

Tuy vậy, đại biểu cho rằng với tình trạng hiện nay hành vi trốn đóng 6 tháng trở lại phải áp dụng quy định về hình sự. Việc áp dụng biện pháp “ngừng sử dụng hóa” là chưa bảo đảm tính răn đe; đồng thời nếu quy định biện pháp này cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Đầu tư…

Hải Nam

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục