Triệu tập bà Hứa Thị Phấn tới tòa xử Phạm Công Danh

Phiên tòa xét xử đại án Ngân hàng Xây Dựng đã khai mạc sáng 19/7/2016, có 36 bị cáo, 130 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong những người được triệu tập đến tòa ở đại án này có bà Hứa Thị Phấn, người đã bán cổ phần Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) cho nhóm Phạm Công Danh.

Tại sao phải triệu tập bà Phấn đến tòa?

Theo cơ quan điều tra, bà Hứa Thị Phấn, còn gọi là Sáu Phấn, là đại diện của nhóm Phú Mỹ, sở hữu gần 85% cổ phần của TrustBank. Quá trình quản trị, điều hành nhóm bà Phấn đã đẩy TrustBank vào tình trạng lỗ hơn 6.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ 3000 tỷ của chính ngân hàng này.

Tưởng như sẽ có một vụ án phát sinh tại Ngân hàng Đại Tín để truy cứu trách nhiệm của các cá nhân gây nên thua lỗ, thì nhóm của bà Phấn lại bán cổ phần TrustBank cho nhóm Phạm Công Danh.

Đã có đơn thư tố cáo về các sai phạm của nhóm bà Phấn được báo chí phản ánh từ những năm trước như bà Phấn đã mua nhiều bất động sản với giá rẻ, nâng giá lên để bán lại cho chính TrustBank nhằm rút ra hàng ngàn tỉ đồng.

Triệu tập bà Hứa Thị Phấn tới tòa xử Phạm Công Danh - Ảnh 1
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng. (Ảnh TTO)

Đơn cử như căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận I, TP.HCM được bà Phấn bán cho TrustBank với giá 1.260 tỷ đồng, tương ứng đơn giá hơn 2 tỷ đồng/m2 đất.  Liên tiếp các năm 2009, 2010, 2011, 2012, bà Phấn thông qua người khác vay 29 Hợp đồng tín dụng với tổng số nợ hơn 3.500 tỷ đồng với các tài sản thế chấp là đất nông nghiệp tại Huyện Nhà Bè với giá đất từ 8 – 32 triệu đồng/m2...

Bà Phấn đã ký Hợp đồng với nhóm Phạm Công Danh với nội dung chuyển giao cổ phần của nhóm bà Phấn cho nhóm Phạm Công Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Phạm Công Danh có trách nhiệm trả nợ khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng của nhóm bà Phấn và nhiều khoản tiền khác được bà Phấn rút của TrustBank trước đó.

Theo điều tra, Phạm Công Danh phải tiếp tục rút tiền từ TrustBank để trả tiền cho nhóm bà Phấn, tăng vốn điều lệ của chính TrustBank. Thiệt hại 9.000 tỷ đồng  do Phạm Công Danh gây ra có 4.500 tỷ tăng vốn, hơn 3.500 tỷ trả cho bà Phấn, ... Phạm Công Danh sai phạm, phải chịu trách nhiệm, nhưng các con số và kết quả điều tra cho thấy Phạm Công Danh đã không giữ được nhiều cho riêng mình.

Theo các luật sư, số tiền bà Sáu Phấn cùng nhóm của mình đã rút ra, hưởng lợi từ TrustBank lên đến hàng ngàn tỷ đồng với những dấu hiệu sai phạm cụ thể thì đã nhiều năm qua chưa được xử lý. TrustBank không còn vốn điều lệ, tiền của TrustBank thực chất là tiền gửi của dân. Nếu các sai phạm của bà Phấn được xử lý kịp thời, nghiêm minh thì đã không có vụ án Phạm Công Danh, nhiều ngàn tỷ đồng tiền gửi của dân chúng đã không bị thiệt hại thêm

Năm 2006, trong vụ án Thái Thị Thanh Liên, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải bị xét xử về tội tham ô, lừa đảo tài sản, bà Phấn cũng được nhận định là có liên quan đến hành vi phạm tội của Liên.

Toàn bộ số tiền 5 tỷ đồng bị Liên chiếm đoạt của ngân hàng được trả cho bà Phấn, các lời khai của Liên đều thể hiện có sự nhất trí giữa bà Phấn và Liên về việc lập hồ sơ vay tiền ngân hàng. Tòa đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự của bà Phấn. Nhưng các yêu cầu này đã không được đáp ứng.

Triệu tập nhiều đại diện ngân hàng

Trước đó, sáng 19/7, HĐXX TAND TP.HCM đưa ra xét xử 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) chủ mưu.

Trong số cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án gây thất thoát 9000 tỉ đồng, HĐXX đã triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến dự tòa. Ông Đào Văn Hiệp, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An đã có mặt tại phiên tòa.

Ngoài 36 bị cáo bị truy tố vì gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng, còn có 130 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có những doanh nhân: ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương; bà Nguyễn Thị Như Loan; ông Nguyễn Quốc Cường...

Đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan khác cũng có mặt tại phiên tòa như các ngân hàng: VietinBank, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Agribank…

Theo Thu Hoài/ Báo Đất Việt


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục