Cựu CEO Vikram Pandit, người đã điều hành tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Citigroup Inc. trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, cho biết các tiến bộ công nghệ có thể sẽ khiến khoảng 30% việc làm trong ngành ngân hàng biến mất trong 5 năm tới.
Cựu CEO của Citigroup Vikram Pandit cho rằng số lượng việc làm ngành ngân hàng sẽ giảm 30% trong 5 năm tới (Ảnh: Bloomberg)
Bloomberg dẫn lời ông Pandit cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) và robot sẽ làm giảm nhu cầu về nhân sự trong các bộ phận back-end (hỗ trợ) của ngành ngân hàng. Hiện ông là CEO của Orogen Group, một quỹ đầu tư mà ông đồng sáng lập vào năm ngoái.
"AI, robot và ngôn ngữ tự nhiên sẽ khiến các quy trình trở nên dễ dàng hơn. Nó sẽ thay đổi bộ phận back-end của các công ty", ông nói.
Nhân viên robot tại Ngân hàng SEB của Thụy Điển. (Ảnh: Bloomberg)
Các công ty lớn nhất của Phố Wall đang ngày càng ứng dụng các công nghệ mới, bao gồm máy học và điện toán đám mây, để tự động hóa, buộc nhiều nhân viên phải thích ứng hoặc tìm các vị trí mới. Hồi tháng 6, CEO Tom Montag của Bank of America nói rằng ngân hàng của ông sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí bằng cách thay thế con người bằng công nghệ.
Năm ngoái Citigroup cũng đã đưa ra 1 dự báo tương tự như của Pandit, nhưng với mốc thời gian dài hơn. Trong báo cáo công bố tháng 3/2016, Citigroup ước tính 30% việc làm trong ngành ngân hàng sẽ biến mất từ năm 2015 đến 2025, chủ yếu là do tự động hóa trong mảng ngân hàng bán lẻ. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, khoảng 770.000 việc làm toàn thời gian ở Mỹ và 1 triệu việc làm ở châu Âu sẽ bị cắt giảm.
Trong khi đó, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase lại có ý kiến hoàn toàn trái ngược. Dimon cho biết, dù JPMorgan cũng đang sử dụng công nghệ để giảm chi phí, nhưng điều này sẽ giúp tạo ra các cơ hội khác. Ông dự đoán số nhân sự tại JPMorgan sẽ tiếp tục tăng, vì họ có kế hoạch thuê nhiều chuyên viên kỹ thuật hơn.
Pandit cho biết thêm, mức độ cạnh tranh trong ngành ngân hàng đang trở nên ngày càng khốc liệt hơn và trong tương lai sẽ xuất hiện những tổ chức mới mang tính phi tập trung nhiều hơn thay thế các định chế tài chính khổng lồ như hiện nay.
Phương Anh