“Muôn kiểu” tranh chấp
Những năm gần đây, vấn đề tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại các tòa chung cư bùng phát mạnh trên cả nước và không có dấu hiệu dừng lại. Từ những bất đồng, mâu thuẫn đó, cư dân có những phản ứng gay gắt như tập trung căng băng rôn, gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, báo chí, tòa án,… Căng thẳng hơn, cư dân nhiều tòa nhà còn thể hiện thái độ bằng cách dừng đóng phí dịch vụ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Ngược lại, về phía đơn vị quản lý vận hành, Ban quản lý tòa nhà, khi không thu được phí dịch vụ từ phía cư dân trong thời gian dài, đã chọn giải pháp mạnh là cắt dịch vụ điện, nước, vệ sinh, thang máy… khiến mâu thuẫn càng lớn và khó tháo gỡ.
Cư dân C'land căng băng rôn phản đối việc cắt nước.
Mới đây nhất là trường hợp tại dự án C’Land số 81 Lê Đức Thọ, theo phản ánh của cư dân, ngày 5/9, Công ty C’Land – chủ đầu tư dự án đã cắt nước của hai căn hộ thuộc quyền sở hữu của Trưởng Ban Quản trị tòa nhà và Phó Ban Quản trị tòa nhà, sau đó đã có khoảng 20 căn hộ cũng đã bị cắt nước sinh hoạt khiến người dân vô cùng bức xúc và đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.
Người dân cho biết, lý do bị cắt nước là do phía chủ đầu tư cho rằng người dân đang nợ phí quản lý vận hành, trông giữ xe trong suốt 2 năm nay. Trong khi đó, người dân cho rằng, điều này là vô lý khi Ban Quản trị không ký Hợp đồng vận hành quản lý tòa nhà với chủ đầu tư là Công ty C’Land.
Về phía chủ đầu tư, đơn vị này cho rằng, đến nay Ban quản trị đại diện cho cư dân đã hết nhiệm kỳ thứ nhất, chưa bầu cho nhiệm kỳ thứ hai. “Tuy nhiên hiện nay do một số thành viên trong Ban quản trị (BQT) đã hết nhiệm kỳ có những tư tưởng và mục tiêu khác, luôn đẩy cư dân và Chủ đầu tư (CĐT) vào thế đối đầu, khiếu nại, tố cáo khắp nơi, nhiều cuộc họp của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng đã diễn ra nhưng sự bất hợp tác của BQT suốt 3 năm qua khiến những tranh chấp chưa có hồi kết”…
Tương tự, trường hợp tại dự án TNR Goldsilk Complex, các cư dân tại dự án này đã gửi đơn đến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Công an TP. Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh về những vấn đề liên quan đến phí dịch vụ, quỹ bảo trì và vận hành chung cư.
Ngay sau đó, Ban quản lý toà nhà cũng đã nêu những điểm sai của cư dân và Ban quản trị, đồng thời gửi đơn lên công an TP. Hà Nội kiến nghị xử lý tình trạng nhiều hộ dân chưa đóng phí dịch vụ trong gần một năm qua.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là Ban quản lý toà nhà đã rút toàn bộ nhân sự không vận hành và bàn giao lại cho Ban quản trị chủ động thuê đơn vị quản lý vận hành khác.
Mâu thuẫn giữa cư dân và CĐT dự án TNR Goldsilk Complex diễn ra dai dẳng nhiều năm qua.
Hay đầu tháng 7 mới đây, một số cư dân tại chung cư Mon City (Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng phản ánh về tình trạng bị cắt nước. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng chất lượng dịch vụ tại đây không tương xứng với mức phí mà đơn vị quản lý đang thu của cư dân.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho biết, giá dịch vụ đã được nêu rõ trong hợp đồng là 9.000 đồng/m2. Hiện nay, mức phí này đã được điều chỉnh xuống 8.000 đồng/m2. Thế nhưng, một số hộ dân vẫn không đồng ý nên không chịu nộp phí dịch vụ trong thời gian dài, các hộ cố tình không đóng thì chúng tôi mới cắt nước. "Đây là điều được quy định trong hợp đồng” - phía chủ đầu tư nhấn mạnh.
Chủ đầu tư – cư dân mâu thuẫn, đơn vị quản lý vận hành “chịu trận”?
Một trường hợp điển hình về sự “đối đầu” căng thẳng giữa chủ đầu tư và dư dân là những tranh chấp xảy ra tại chung cư Eco Lakeview (32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Và “người đứng giữa” là đơn vị quản lý vận hành phải “chịu trận” khi cư dân thể hiện sự phản đối bằng cách dừng đóng phí dịch vụ.
Theo phản ánh, chung cư Eco Lake View có địa chỉ tại số 32 Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội do Công ty Cổ phần Ecoland làm chủ đầu tư. Người dân cho biết, những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư xuất phát từ việc diện tích căn hộ thực tế một số hộ dân thấp hơn so với diện tích phải trả tiền.
Bên cạnh đó, người dân cũng bức xúc về việc hệ thống tiện ích được chủ đầu tư quảng cáo khi bán nhà hiện vẫn chưa có mặc dù đây là dự án chung cư cao cấp.
Cư dân Eco Lake View phản ánh hệ thống tiện ích được chủ đầu tư quảng cáo khi bán nhà hiện vẫn chưa có.
Người dân cho biết, sau nhiều lần phản ánh đến chủ đầu tư nhưng không được giải quyết thỏa đáng, nhiều cư dân đang tiến hành làm đơn khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án. Đồng thời, để phản đối chủ đầu tư, hơn một nửa số hộ dân tại dự án này đã dừng đóng phí dịch vụ cho đơn vị quản lý vận hành. Thực tế này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, vận hành tòa nhà.
Thông tin về vấn đề này, Đại diện Ban quản lý tòa nhà Eco Lake View cho biết, từ ngày 1/7/2019, BQL tòa nhà Eco Lake View chính thức là đơn chị được chủ đầu tư dự án ủy thác và bàn giao công tác quản lý vận hành tòa nhà.
“Chúng tôi đã tiếp nhận, vận hành, xử lý các vấn đề phát sinh, với những nỗ lực tối đa nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng tòa nhà. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp phải những khó khăn trong công tác thu phí dịch vụ từ cư dân tòa nhà. Số đông cư dân Eco Lake View không đóng phí dịch vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Mức phí được quy định là 8.000đ/m2/tháng”.
Theo BQL chung cư Eco Lake View, cuối tháng 8/2019 có 642 trên tổng số 956 căn hộ đã về ở và sử dụng dịch vụ nhưng chưa đóng phí theo quy định và thỏa thuận, mặc dù BQL tòa nhà đã thông báo thu phí tới cư dân rất nhiều lần. Thế nhưng 2/3 số hộ dân vẫn không đóng phí trong thời gian gần 3 tháng qua.
Cư dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.
“Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ của đơn vị chúng tôi, dẫn đến BQL tòa nhà không đảm bảo nguồn thu để thanh toán cho đối tác, nhà cung cấp để duy trì các hoạt động vận hành và cung cấp dịch vụ bình thường tại tòa nhà. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi buộc phải có những quyết định tạm dừng cung cấp một số dịch vụ cơ bản do bên thứ ba không đồng ý cho chúng tôi hoãn, giãn, chậm nộp các chi phí thanh toán này. Việc tạm dừng cung cấp một số dịch vụ cũng được BQL tòa nhà thông báo tới cư dân bằng văn bản và các kênh kết nối với cộng đồng tại chỗ”, BQL tòa nhà Eco Lake View cho hay.
BQL tòa nhà cho rằng việc cắt một số dịch vụ (trước mắt là vệ sinh) là việc “cực chẳng đã” do không đảm bảo nguồn thu để thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ. “Chúng tôi rất mong cư dân có tinh thần hợp tác, thực hiện nghĩa vụ của mình để hoạt động vận hành quản lý tòa nhà tại chung cư Eco Lake View ngày một hiệu quả, chất lượng và ổn định”…
Có thể nói, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra tràn lan như hiện nay không chỉ khiến thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư bị ảnh hưởng, các cư dân chịu thiệt thòi mà còn khiến các doanh nghiệp quản lý vận hành chung cư gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý vận hành.
Đặc biệt là tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp quản lý hiện nay.
Tuy nhiên, những khó khăn của đơn vị quản lý vận hành không phải ai cũng có thể hiểu, chỉ những “người trong cuộc” mới tường tận những câu chuyện phức tạp, ẩn khuất phía sau đó.
Tranh chấp quản lý chung cư: Bài 2 - Chuyện kể của "người trong cuộc"
Hải Lan