Không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, SHB bị kiện
Các ngày 20, 21, 24 tháng 4 năm 2017 TAND quận Hoàn Kiếm xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh thanh toán” giữa các đương sự: nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); bị đơn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Theo nội dung vụ kiện, Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình An (Cty Bình An) có quan hệ vay vốn tại BIDV từ tháng 6/2010, cho đến tháng 8/2011 BIDV tăng hạn mức tín dụng lên 220 tỷ và giải ngân toàn bộ theo 12 hợp đồng tín dụng ngắn hạn và 43 hợp đồng chiết khấu.
Đến năm 2012, việc Cty Bình An của đại gia Diệu Hiền gặp nhiều khó khăn, nợ các tổ chức tín dụng hơn 1 nghìn tỷ, nợ 245 tỷ tiền cá của 41 hộ dân, nợ 3 tỷ đồng bảo hiểm xã hội và nhiều công ty đối tác khác khiến dư luận xã hội xôn xao. Lúc này dư nợ gốc và lãi của Cty Bình An với BIDV là 327.637.203.966 đồng.
SHB tham gia tái cơ cấu Bianfishco – đổi chủ sở hữu là nợ xấu biến mất?
Đến tháng 8/2012 trên cơ sở đề nghị của SHB và Cty Bình An, BIDV đồng ý giải chấp và chuyển giao toàn bộ tài sản bảo đảm bằng chứng thư bảo lãnh số 079.2012/BLTT.HO ngày 24/8/2012 do SHB phát hành với giá trị bảo lãnh 215,4 tỷ đồng chưa bao gồm lãi phát sinh từ thời điểm bảo lãnh cho đến khi hoàn tất nghĩa vụ trả nợ vay và không huỷ ngang.
Trong chứng thư này cũng quy định rõ SHB có nghĩa vụ trả nợ theo 02 giai đoạn 24 tháng và 36 tháng. Đại diện của Ngân hàng BIDV cũng trình bày tại toà: Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, BIDV đã có rất nhiều văn bản đề nghị SHB thực hiện nghĩa vụ theo cam kết nhưng SHB không phản hồi, cũng không thực hiện theo cam kết. Vì vậy BIDV nộp hồ sơ khởi kiện đề nghị Toà yêu cầu SHB thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay Cty Bình An với số dư nợ tạm tính đến 25/11/2015 là 327.637.203.966 đồng.
SHB “mở bẫy” bảo lãnh thanh toán?
Tại phiên toà, SHB thừa nhận đã ký kết Biên bản thoả thuận 3 bên, từ đó phát hành Thư bảo lãnh số 079.2012. Tuy nhiên SHB cho rằng sau khi nhận bàn giao Cty Bình An để tái cấu trúc, Ban điều hành mới phát hiện ra nhiều sai phạm của Bình An trước đây cũng như cán bộ BIDV trong việc thẩm định cho vay, quản lý tài sản đảm bảo.
Bị đơn còn dựa vào một số “bẫy pháp lý” để trút bỏ rủi ro như: Thư bảo lãnh thanh toán chỉ phát sinh hiệu lực khi Bên nhận bảo lãnh đã giải chấp toàn bộ tài sản... cho bên được bảo lãnh nhưng BIDV chỉ cam kết giải chấp khi đã có Thư bảo lãnh thanh toán, do đó không xác định được thời điểm phát sinh hiệu lực của Thư bảo lãnh. SHB đề nghị đình chỉ vụ án chờ kết quả giải quyết của cơ quan công an xem xét trách nhiệm của BIDV và bà Diệu Hiền
Việc chứng minh SHB vi phạm là không đơn giản, Đại diện VKS phát biểu tại toà: HĐXX đã thực hiện đúng các quy định, thu thập chứng cứ khách quan, công khai, xác định đúng quan hệ pháp luật và tư cách đương sự đúng quy định. HĐXX bác đề nghị đình chỉ vụ án và cho biết Công an Cần Thơ đã có công văn số 826 đề nghị Toà án tiếp tục giải quyết vụ án theo trình tự tố tụng dân sự.
Việc SHB cho rằng BIDV không giải chấp toàn bộ tài sản hồ sơ là không có căn cứ, HĐXX cho rằng theo các tài liệu biên bản bàn giao tài sản giữa BIDV và Cty Bình An thì phía Công ty đã xác nhận đủ tài sản và hồ sơ, sau khi SHB phát hành Thư bảo lãnh thì các tài sản đó vẫn đang được sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
HĐXX cũng nêu rõ nếu SHB và Công ty Bình An phát hiện có sai phạm của ban điều hành cũ của Cty trong việc lập hồ sơ vay vốn và sử dụng vốn thì trách nhiệm thuộc về Công ty, đây không phải lý do chính đáng để từ chối trách nhiệm trả nợ cho BIDV.
Kết thúc Toà án cấp sơ thẩm buộc SHB phải thanh toán cho BIDV số tiền còn nợ của Cty Bình An tại BIDV là 382.281.064.571 đồng theo nội dung Thư bảo lãnh thanh toán số 079.2012 ngày 24/8/2012 do SHB phát hành.
Cũng liên quan đến SHB và Công ty Bình An, hiện nay Toà án quận Hoàn Kiếm đang tiếp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).
Thời báo Doanh Nhân sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc.
Theo Trang Nhi/ Thời báo Doanh Nhân