Trăm tỷ tiết kiệm bốc hơi: Tiền trong két ngân hàng, tại khách không biết giữ

Quá nhiều vụ việc mất tiền gửi tại ngân hàng (NH) đã xảy ra với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu các NH cứ tiếp tục từ chối trách nhiệm bồi thường, khách hàng có thể mất tiền tỷ nhưng NH sẽ mất lớn hơn khi niềm tin suy giảm.

Gửi tiền vào ngân hàng mà vẫn lo

Thời gian vừa qua, đã có nhiều vụ mất tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng. Đến nay, phần lớn vụ việc này vẫn là một hành trình đòi tiền mệt mỏi và chưa có hồi kết. Khách gửi tiền ở NH, vẫn cầm chứng nhận tiền gửi NH có dấu đỏ nhưng khi mất, mọi con đường đều dẫn đến tòa án. Mà ở đó, nhiều nạn nhân bị mất tiền cảm thấy bị đối xử như một đối tượng gây mất tiền của nhà băng

Tin tưởng vào NH, nhưng bị mất tiền mà NH lại không được bồi thường thì cũng chẳng tìm thấy sự bình yên nào cả. Gửi tiền mà vẫn lo, nếu bị cán bộ NH tìm cách chiếm đoạt thì cũng không khác gì gặp phải kẻ lừa đảo ngoài chợ. Vì luận điệu đầu tiên của các NH, đó là sai phạm cá nhân, cứ chờ điều tra rồi tính.

Trăm tỷ tiết kiệm bốc hơi: Tiền trong két ngân hàng, tại khách không biết giữ - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng, mất tiền gửi trong tài khoản NH nhưng NH không chịu chi trả đầy đủ và kịp thời, sẽ xuất hiện tranh chấp. Như vậy, theo luật chỉ còn cách đưa ra tòa án phân xử. Đối với tranh chấp về việc gửi tiền tiết kiệm thì buộc phải đưa ra Tòa án xét xử theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự, thì bắt buộc phải qua điều tra của cơ quan công an, truy tố của viện kiểm sát và xét xử theo thủ tục hình sự.

Một vụ án như vậy, nhanh thì cũng trên dưới 1 năm, còn chậm thì vài ba năm. Tuy nhiên, nếu tòa án tuyên kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm, còn NH vô can thì người gửi tiền đứng trước nguy cơ mất trắng cả gốc lẫn lãi. Khách hàng mất tiền, chờ kết quả xét xử trong trường hợp này, thật sự là vô vọng. Vì vậy, có tiền gửi vào NH mà vẫn lo, luật sư Đức nói.

Khách hàng càng lo lắng hơn, trước lời khuyên của một số chuyên gia và cán bộ quản lý về việc không nên giao dịch tại nhà và phải tự kiểm tra số dư tài khoản thường xuyên.

Theo luật sư Đức, khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến giao dịch tại NH là gượng ép. Bởi giao dịch ngoài trụ sở của NH vẫn hợp pháp, hợp lệ và là một tiện ích ngân hàng dành cho khách hàng. Đó là điều pháp luật không cấm. Quy chế tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN đã quy định rõ: “Các lần gửi tiền thứ hai trở đi thì không bắt buộc khách hàng phải đến tận trụ sở”. Khi giao dịch tại nhà, khách hàng được an toàn và có lợi hơn, giảm thiểu được rủi ro bị trộm cướp, tai nạn.

Đặc biệt, việc bắt khách hàng kiểm tra số dư tiền gửi thực chất không có tác dụng bảo đảm an toàn, mà chỉ là để biết còn hay đã mất. Khuyên khách hàng thường xuyên kiểm tra số dư tiền gửi để quản lý có bị mất tiền hay không, chẳng khác nào cho rằng NH không đáng tin?

Còn theo chuyên gia Phạm Nam Kim, những phát ngôn cho rằng khách hàng phải chịu trách nhiệm tới 70% khi tiền gửi của mình bị mất, do không đến NH làm thủ tục giao dịch, sẽ chỉ gây thêm sự lo lắng cho người gửi tiền.

Mất tiền và mất uy tín

Theo Luật sư Đức, các tổ chức tín dụng nói chung, NH thương mại nói riêng tồn tại và phát triển được, vì là nơi gửi tiền và đầu tư vốn an toàn ở cấp độ cao nhất. NH huy động tiền gửi của khách hàng để kinh doanh phải có trách nhiệm là bảo đảm an toàn tiền bạc và trả lại nguyên vẹn cho người gửi.

Khách hàng tin tưởng khi giao dịch với NH, đồng nghĩa với việc tin vào những nhân viên được NH ủy quyền thực hiện giao dịch. Người gửi tiền có thể mù chữ hay thiếu hiểu biết.. dễ nhầm lẫn, sai sót về ký giấy rút tiền, giấy uỷ quyền... theo yêu cầu của nhân viên NH. Nhưng nhân viên NH thì phải nắm vững và làm đúng quy định. Và NH phải quản lý được an toàn trong hệ thống của mình. Và một khi tiền đã vào tài khoản NH thì đó không còn là quan hệ cá nhân khách hàng với nhân viên mà đó là trách nhiệm của NH.

Theo quy định tại Quy chế tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì NH phải “đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác và an toàn”. Thật đáng lo, khi mất tiền gửi tại NH nhưng chỉ có quyền đòi lại từ tội phạm, còn NH vô can.

Trước đây, tại Bắc Giang đã từng có một vụ việc, người anh em sinh đôi cùng trứng mang sổ tiết kiệm và chứng minh nhân dân của người kia đến rút tiền. NH đã không thể phát hiện ra khi chi trả tiền gửi. Nhưng Tòa án vẫn xác định ngân hàng có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người gửi tiền.

Do vậy, có thế nói đa phần các vụ việc mất tiền đã gửi vào NH thì NH phải chịu trách nhiệm bồi thường... Vì nguyên nhân chính dẫn đến mất tiền, thường là do lỗi và sai phạm của chính các cán bộ, nhân viên NH trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, không loại trừ những cá nhân khách hàng có hành vi thông đồng với nhân viên để chiếm đoạt thì cần phải có điều tra, xử lý tương xứng với hành vi vi phạm

Mấu chốt để ngăn chặn tình trạng mất tiền là phải quy được trách nhiệm bồi thường cho pháp nhân là NH, thay vì trách nhiệm của các cá nhân sai phạm. Nếu NH phải chịu trách nhiệm trong mọi mất mát của khách hàng, sẽ buộc phải nâng cao sự an toàn, thắt chặt các quy trình kiểm soát, chấn chỉnh kỷ luật nội bộ, giảm thiểu rủi ro, sai phạm.

Còn vẫn đùn đẩy và thoái thác được trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì nguy cơ mất tiền gửi vẫn còn tiềm ẩn. Điều gì sẽ xảy ra khi người dân cứ nơm nớp lo sợ về việc mất tiền gửi bất cứ lúc nào, nếu chẳng may dính vào một số rất ít cán bộ NH lừa đảo, phạm pháp - Luật sư Đức đặt câu hỏi.
Những vụ tiền tỷ gửi ngân hàng bị mất gần đây

- Điển hình nhất là vụ mất 245 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được phát giác đầu năm 2018. Bị chính cán bộ của Eximbank chiếm đoạt và bỏ trốn, bà Chu Thị Bình, người gửi tiền đến nay vẫn chưa đòi được, phải chờ phán quyết của tòa án.

- Tháng 9/2017, khách hàng gửi tiền bị mất 400 tỷ đồng tại Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng. Cán bộ ngân hàng đã chiếm đoạt tiền của khách và con đường đòi lại số tiền này cũng dẫn đến tòa án.

- Tháng 7/2016, tại Ngân hàng Việt Á, khách hàng gửi 5 sổ tiết kiệm hơn 43,5 tỷ đồng nhưng tiền “biến mất” và cũng đang phải đi kêu kiện khắp nơi. 

Trần Thủy/Vietnamnet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục