LPBank “ế” hơn 50% trái phiếu
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) vừa thông báo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 2.
Theo đó, kết thúc đợt chào bán, LPBank đã phân phối được gần 15,56 triệu trái phiếu, tương đương 47,24% tổng lượng chào bán.
Với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng số tiền nhà băng này thu được là gần 1.556 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng thu ròng hơn 1.555 tỷ đồng.
Trước đó, LPBank đã chào bán tổng cộng gần 32,93 triệu trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng tổng quy mô 3.293 tỷ đồng. Trong đó bao gồm hơn 29,4 triệu trái phiếu LPB7Y202203 kỳ hạn 7 năm và gần 3,5 triệu trái phiếu LPB10Y202204 kỳ hạn 10 năm.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của LPBank.
Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ.
Trong đó lãi suất loại kỳ hạn 7 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,8%/năm và lãi suất loại kỳ hạn 10 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 3,1%/năm.
Trong kỳ tính lãi đầu tiên, LPBank áp dụng lãi suất 9,6%/năm cho trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 9,9%/năm cho kỳ hạn 10 năm. Mức lãi suất này cao hơn khoảng 2,6 – 2,9 điểm % so với lãi suất huy động tiền gửi cao nhất mà LPBank đang niêm yết.
Số vốn tăng huy động được từ trái phiếu sẽ được LPBank bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung dài hạn trong quý II và quý 3/2023. Trong đó, hơn 3.106 tỷ đồng sẽ được dùng để cho vay Nông nghiệp Nông thôn và tiêu dụng; số còn lại cho vay lĩnh vực thương mại và lương thực, thực phẩm.
Tính đến cuối tháng 3, LPBank có 21.300 tỷ trái phiếu đang lưu hành. Trong đó, trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên là gần 7.011 tỷ đồng; kỳ hạn 1 – 5 năm là 14.290 tỷ đồng.
LPBank “ôm” hơn 418 nghìn tỷ đồng bất động sản thế chấp
Theo BCTC năm 2022, LPBank ghi nhận tài sản thế chấp đạt 611.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản đạt 418.000 tỷ đồng, chiếm 68,5 % tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng, tăng hơn 128.500 tỷ đồng (tương đương tăng 44%) so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 1,77 lần so với tổng dư nợ cho vay năm 2022 là 235.500 tỷ đồng.
Như vậy, mỗi đồng cho vay tại LPBank được đảm bảo bởi 1,77 đồng tài sản thế chấp là bất động sản.
Về nợ xấu, tính hết năm 2022, LPBank đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 19 tỷ đồng lên 1.352 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt lên 1.069 tỷ, tăng 2,3 lần, tương đương tăng 132% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nợ xấu trên tổng dư nợ của LPBank vẫn ở mức đảm bảo, đạt 1,44% trên tổng dư nợ, mức an toàn trong ngành tài chính.
Mặt khác, BCTC cũng đưa ra các chỉ tiêu nằm ngoài báo cáo, trong đó có khoản nợ khó đòi đã xử lý năm 2022 ngày càng “phình” to, lên tới 5.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, đối với nợ gốc của khoản nợ đã xử lý rủi ro đang trong thời gian theo dõi đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Chính điều này đã dẫn tới khoản nợ lãi vọt lên 2.715 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, khoản nợ khó đòi nằm ngoài BCTC không những không giảm đi, mà còn tăng lên rất nhanh tại nhà bằng này.
Liên quan giữa ông Nguyễn Đức Thụy với Thaiholdings và LPBank
Giữa năm 2021, giới tài chính khá bất ngờ khi ông Nguyễn Đức Thụy (còn gọi là Bầu Thụy), người sáng lập Công ty Cổ phần Thaiholdings, một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực bao gồm cả bất động sản được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank). Ông Thụy được bầu ở vị trí này với vai trò cổ đông lớn, sở hữu khoảng 3% vốn hiện hành của ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Thụy được biết đến là doanh nhân nổi tiếng đất Ninh Bình. Sinh năm 1976, Bầu Thụy đi lên từ xi măng và nổi danh trong lĩnh vực bóng đá, với vai trò ông chủ Tập đoàn Xuân Thành với thương vụ đình đám bỏ nghìn tỷ, vượt qua các đại gia phía Bắc thâu tóm Khách sạn Kim Liên có diện tích đất vàng tại vành đai 1 Hà Nội.
Cụ thể, năm 2015, Bầu Thụy gây rúng động thị trường với thương vụ bỏ ra 1.000 tỷ đồng để vượt qua loạt doanh nghiệp lớn khác mua lại thành công 52% cổ phần của Du lịch Kim Liên, đơn vị triển khai dự án quy mô 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Trong năm 2020, Bầu Thụy lại nổi bật với vụ "niêm yết cửa sau" của Thaigroup thông qua Thaiholdings trong bối cảnh Thaigroup chưa đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết do có lỗ lũy kế.
Từ chức năm 2020 nhưng mãi đến tháng 6/2022, ông Nguyễn Đức Thụy mới thực sự dứt khỏi Thaiholdings. Theo đó, hồi tháng 6/2022, thông tin từ Thaiholdings cho hay, Bầu Thụy đã bán xong toàn bộ 87,41 triệu cổ phiếu THD theo như đăng ký giao dịch trước đó. Ngày hoàn tất giao dịch là 13/6. Sau giao dịch, Bầu Thụy không còn mối liên hệ nào với Thaiholdings, nơi ông từng là cổ đông sáng lập.
Trước khi Bầu Thụy trở thành Phó Chủ tịch HĐQT LPBank, Thaiholdings từng vay hàng trăm tỷ đồng và cầm cố tài sản khá nổi tiếng tại nhà băng này. Thaiholdings là công ty có liên quan mật thiết với Phó chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy. Mặc dù không còn giữ chức vụ gì, nhưng Bầu Thụy là người sáng lập Thaiholdings và đang sở hữu 24,55% cổ phần tại đây.
Báo cáo tài chính quý 4/2022 được CTCP Thaiholdings (mã THD - HNX) công bố đã phần nào hé lộ vị thế của ông Nguyễn Đức Thụy và các công ty trong hệ sinh thái Thaiholdings tại LPBank. Theo BCTC, Thaiholdings đang đầu tư trái phiếu và tiền gửi có kỳ hạn (đầu tư dài hạn) vào ngân hàng Liên Việt với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. Con số nêu trên cũng phần nào cho thấy vị thế hiện tại của Bầu Thụy tại LPBank.