Theo xếp hạng của Moody’s Investors Service (Moody’s) mới đây về hoạt động của các ngân hàng tại thị trường Việt Nam thì ngân hàng BIDV, Vietinbank được xếp hạng tín nhiệm ở mức B1. Đáng chú ý, xuất hiện lần đầu trong bậc xếp hạng tín nhiệm lần này của Moody’s là cái tên ngân hàng rất trẻ đó là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), TPBank được Moody’s xếp hạng tín nhiệm mức B2, mức cao nhất trong số các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam.
Cùng với TPBank còn có 5 ngân hàng thương mại lớn khác cũng được Moody’s đánh giá tín nhiệm ở mức B2 đó là: Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Việc xếp hạng tín nhiệm TPBank ở mức B2, Moody’s đánh giá TPBank là ngân hàng có điều kiện hoạt động ổn định, tính thanh khoản cao, mảng bán lẻ và tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng tốt, tính tuân thủ và hệ thống quản trị rủi ro an toàn hiệu quả.
Việc được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ngang hàng với những ngân hàng TMCP cỡ lớn như MBBank và ACB là một thành công đối với TPBank khi mà chỉ mới 5 năm trước ngân hàng này vẫn thuộc diện yếu kém và phải tự tái cơ cấu.
Nhớ lại giai đoạn khó khăn đối với TPBank ở năm 2011, khi hệ thống ngân hàng thương mại trong nước khủng hoảng, TPBank cũng bị cuốn vào vòng xoáy suy thoái và bị Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm 9 ngân hàng yếu kém, buộc phải tái cơ cấu. Thế nhưng sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới đến từ Tập đoàn Vàng bác Đá quý DOJI với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và những bước đi đúng đắn, chỉ trong vòng 5 năm đã vực dậy được TPBank trở thành một ngân hàng phát triển ổn định như hiện tại.
Vào thời điểm bắt đầu tự tái cấu trúc ngân hàng năm 2012, tổng tài sản của TPBank mới chỉ vào khoảng hơn 15.000 tỷ đồng, các chỉ số ngân hàng vẫn còn rất hạn chế với vỏn vẹn 9.270 tỷ đồng tiền huy động vốn và 5.990 tỷ đồng cho vay. Về kết quả kinh doanh năm 2012, thu nhập lãi thuần ngân hàng cũng chỉ đạt gần 275 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế TPBank đạt 116 tỷ đồng thế nhưng lỗ luỹ kế của ngân hàng lại lên tới hơn 1.250 tỷ đồng.
Nhưng chỉ sau 4 năm tự tái cấu trúc, TPBank đã có bước chuyển mình vô cùng ngoạn mục, nhiều chuyên gia nhìn vào sự phát triển của TPBank còn phải ví von như chú cá nhỏ gặp dòng nước lớn. TPBank nhanh chóng trở thành hình mẫu để các ngân hàng cỡ nhỏ hướng tới. Kết thúc năm 2015, tổng tài sản TPbank đã tăng lên tới 76.221 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2012; khoản huy động vốn – cho vay lần lượt đạt 39.505 tỷ đồng và 27.978 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2015 ghi nhận 1.403 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, lãi ròng sau thuế đạt 562 tỷ đồng, và chính thức bù đắp toàn bộ số lỗ luỹ kế hơn 1.250 tỷ ghi nhận khoản lợi nhuận chưa phân phối cụ thể là 229 tỷ đồng.
Chỉ trong giai đoạn 2012-2015, TPBank đã bù đắp toàn bộ số lỗ luỹ kế hơn 1.250 tỷ và báo lãi 229 tỷ đồng. Ảnh: QT.
Tính đến ngày 30/6/2016, TPBank đạt 342 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 112% kế hoạch 6 tháng và hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cùng với đó là tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát tốt chỉ ở mức 0,96% tại thời điểm giữa năm 2016.
Có thể thấy, việc chỉ trong 4 năm TPBank có thể tạo ra hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận bù đắp được hoàn toàn số lỗ luỹ kế hơn 1.250 tỷ năm 2012 đã cho thấy những bước tăng trưởng vượt bậc của TPBank. Vào tháng 8/2016 mới đây, Tổ chức tài chính IFC (thuộc World Bank) đã ký kết mua lại 4,999% cổ phần TPBank, qua đó trở thành cổ đông ngoại chiến lược của TPBank.
Quang Thắng