TPBank báo lãi lớn, cổ đông vẫn "dài cổ" chờ chia cổ tức

Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2017 với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp tiếp tục dùng lợi nhuận để bù đắp thặng dư vốn bị âm, thì cổ đông có thể tiếp tục "dài cổ" chờ cổ tức.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, đến hết tháng 9/2017, tổng tài sản của TPBank đạt 114.467 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 56.708 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Đáng chú ý, Báo cáo cho thấy LNTT lũy kế 9 tháng của TPBank, tăng mạnh 227% so với cùng kỳ, đạt đạt 806,7 tỷ đồng (vượt kế hoạch lợi nhuận 780 tỷ đề ra cho cả năm 2017). 

Sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, LNST TPBank thu về là hơn 711,6 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục phải dùng lợi nhuận để bù đắp thặng dư vốn bị âm như đã làm trong năm 2016, thì TPBank sẽ khó có khả năng chia cổ tức cho cổ đông.

Liên quan tới khoản âm thặng dư vốn cổ phần, được biết, năm 2012 ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) đã quyết định phát hành 225 triệu cổ phiếu với giá 6.000/cổ phiếu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để đẩy mạnh năng lực tài chính. Đối tượng chào bán là dưới 100 nhà đầu tư cá nhân/tổ chức có tiềm lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài. Số cổ phần này tương đương 85% tổng số cổ phần của ngân hàng lưu hành thời điểm 2012.

Trong những năm gần đây, lợi nhuận của TPBank cũng được dùng để bù đắp lỗ lũy kế. Đến cuối năm 2015, TPBank mới thoát lỗ lũy kế và một phần lợi nhuận phân phối còn lại của năm này được dùng để bù đắp âm thặng dư vốn cổ phần. Sau khi dùng lợi nhuận phân phối 2016 để bù đắp, thặng dư vốn cổ phần tính đến đầu năm 2017 của TPBank là âm 238 tỷ đồng.

TPBank báo lãi lớn, cổ đông vẫn "dài cổ" chờ chia cổ tức - Ảnh 1
LNTT và LNST của TPBank từ năm 2014 đến Tháng 9/2017

Trong nhiều năm nay, nợ xấu của TPBank tăng đáng kể.

Cụ thể, theo báo cáo, hiện nợ xấu của TPBank là 505,5 tỷ đồng, tăng 174,5 tỷ đồng, tương đương mức tăng 52,7% so với đầu năm. Con số này gấp hơn 2,5 lần so với cuối năm 2014. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu hiện nay của TPBank đã nâng lên mức 0,89%, trong khi đầu năm là 0,7%. 

Ngoài ra, trong quá trình tái cơ cấu, TPBank đã tích cực giải quyết nợ xấu bằng cách bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam – VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt. Đến nay, giá trị trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng khoản nợ xấu TPbank đã bán cho VAMC đã lên tới hơn 952,7 tỷ đồng. 

TPBank báo lãi lớn, cổ đông vẫn "dài cổ" chờ chia cổ tức - Ảnh 2
Tổng nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC từ năm 2014 đến Tháng 9/2017

Như vậy, tính cả số nợ trên thì tổng nợ xấu của nhà băng này đã đạt mốc 1.458,2 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu sẽ chạm mốc 2,6 %.

Được biết, năm 2017, ngoài việc tăng LNTT 10% lên 780 tỷ đồng, TPBank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên 130.000 tỷ đồng,  tiền gửi khách hàng đạt 71,607 tỷ, cho vay khách hàng đạt 56,791 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30% và 20% so với năm trước.

Theo Chủ tịch HĐQT TPBank - ông Đỗ Minh Phú, TPBank hiện đang có kế hoạch niêm yết lên sàn chứng khoán theo lộ trình của Nhà nước. Kế hoạch niêm yết này sẽ được báo cáo trước cổ đông khi thực hiện và thời gian đó là không xa.

Theo Vnfinance.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục