TP HCM chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản

UBND TP HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở-ngành chức năng sớm giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP HCM về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp BĐS đang gặp phải.

Theo đó, UBND TP HCM giao các sở, ngành phối hợp với văn phòng UBND TP HCM sớm hoàn thành việc xây dựng quy trình liên thông với các sở, ngành trong giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức để trình UBND TP HCM ban hành trong tháng 6/2019.

Bên cạnh đó, trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) cần duy trì cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền TPHCM, nhằm kịp thời tuyên truyền chính sách và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải được giao tham mưu phương án khai thác, sử dụng các khu đất dọc hai bên tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên.

Mới đây, hàng loạt khó khăn về thủ tục, pháp luật quy định đến đầu tư - kinh doanh dự án nhà ở được các doanh nghiệp phản ánh tại cuộc họp giữa Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và các sở, ngành TP HCM với hơn 200 doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM, Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết ngay cho doanh nghiệp một số những vướng mắc có thể giải quyết ngay. Lãnh đạo TP HCM cũng khẳng định rằng những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP HCM sẽ giải quyết ngay. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, UBND TP HCM sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hướng giải quyết.

TP HCM chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 1
Văn bản chỉ đạo của UBND TP HCM.

Trước đó, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cũng đã có báo cáo về một số kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp địa ốc gửi Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan trực thuộc TP HCM.

Trong đó, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Phúc Lợi đã nêu kiến nghị về việc Công ty Hưng Thịnh đang lập dự án Chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với tổng diện tích dự án là 28.980 m2. Công ty Thiên Phúc Lợi là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Trường Thọ tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với diện tích dự án là 51.106,2m2.

Trong quá trình triển khai các thủ tục lập dự án, hai Công ty có nhu cầu cần được kết nối giao thông của dự án với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm đường D5, đường N2 và đường vành đai 2. Hai Công ty đề nghị được đăng ký nghiên cứu, lập dự án và thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp đối với Dự án đường Vành đai 2, đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Vì vậy, hai doanh nghiệp này đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận được lập dự án và thực hiện đầu tư, xây dựng đường D5 và đường N2 bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp.

Theo đó, hai Công ty sẽ tự ứng vốn để thực hiện việc thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện đầu tư, xây dựng đường D5 và đường N2 đúng theo quy hoạch được duyệt. Đối với các chi phí mà hai Công ty tự ứng vốn để đầu tư, xây dựng các tuyến đường này, đề nghị được khấu trừ vào tiền sử dụng đất của 02 dự án hoặc được thu hồi vốn thông qua các hình thức phù hợp theo quy định pháp luật.

TP HCM chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 2
Hàng loạt doanh nghiệp BĐS kiến nghị được tháo gỡ khó khăn.


Tương tự, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, chủ đầu tư dự án Nhà ở xã hội cho thuê - Khu dân cư Lê Thành tại phường An Lạc, quận Bình Tân có diện tích đất 12.103 m2 cũng nêu lên nhiều vướng mắc tại dự án.

HoREA cho rằng, đây là dự án nhà ở xã hội cho thuê trả tiền hàng tháng đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân tự bồi thường giải phóng mặt bằng, tự thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách rất đáng được tuyên dương và hỗ trợ tối đa.

Vì vậy, doanh ghiệp này đã nêu kiến nghị được giải quyết 4 vấn đề. Cụ thể, doanh nghiệp đề nghị được miễn tiền sử dụng đất dự án; được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định; được tính chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng mức đầu tư để tính đơn giá nhà ở xã hội cho thuê, do quỹ đất dự án nhà ở xã hội này không phải là đất công và được đăng bộ để đủ điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án.

Liên quan đến vấn đề này, HoREA cho biết ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo lần lượt qua các Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp, Cục Thuế, Sở Kế hoạch Đầu tư... để xem xét, đề xuất, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Liên quan đến quy định “đất ở hợp pháp” từng gây tranh cãi thời gian qua, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho rằng quy định về “đất ở hợp pháp” để chấp thuận chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại đã được hướng dẫn và áp dụng theo kiểu “trói chân tay” các doanh nghiệp bất động sản của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua và kiến nghị thành phố sớm xem xét, giải quyết dứt điểm để khai thông các dự án.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long, Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim, Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Thịnh, Công ty Cổ phần Thế Kỷ 21, Bất động sản Việt Gia Phú… cũng đồng loạt kiến nghị được tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục