Theo số liệu công bố, Top 10 ngân hàng tư nhân có số nộp ngân sách lớn nhất đã đóng góp tổng cộng hơn 36,8 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng hơn 10,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.
Số liệu tổng hợp nói trên cho thấy, 10 ngân hàng tư nhân đứng đầu về nộp ngân sách nhà nước gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank).
Tất cả các ngân hàng này đều có số nộp ngân sách năm 2023 trên 1 nghìn tỷ đồng với tổng mức nộp đóng góp hơn 36,8 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong năm 2023, tăng hơn 10,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Con số này cũng tương đương hơn 32% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng trong Top 10 có mức nộp ngân sách tăng gấp đôi so với năm trước, tương ứng đã nộp thêm cả nghìn tỷ đồng vào ngân sách. Việc các ngân hàng nộp số tiền ngân sách khổng lồ không chỉ thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà nước mà còn cho thấy bức tranh tươi sáng của nền kinh tế tài chính Việt Nam. Điều này cũng khẳng định cho chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp của lãnh đạo các nhà băng trong bối cảnh sự khủng hoảng thanh khoản, khủng hoảng trái phiếu kéo dài từ cuối năm 2022 sang đầu năm 2023.
Techcombank là đơn vị dẫn đầu trong danh sách ngân hàng tư nhân nộp ngân sách nhà nước năm 2023, điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của nhà băng này năm vừa qua rất hiệu quả. Số liệu về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp do ông Hồ Hùng Anh làm chủ tịch hết sức tích cực. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 15,6 nghìn tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động đạt 25,7 nghìn tỷ đồng tăng 37,9%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đạt 37,4% so với mức 40,5% tại quý I và 34,9% tại cuối quý II/2023. Số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt mức cao kỷ lục , hơn 180 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản duy trì ở vị thế đầu ngành, lần lượt đạt 14,5% và 2,6%.
Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của nhà băng này cũng đạt 18 nghìn tỷ đồng tăng 40,2%. Trong đó, quý II ghi nhận mức tăng kỷ lục 9,5 nghìn tỷ đồng tăng trưởng 50,6%.
Với những gì đạt được, trong quý 2/2024, Techcombank được Euromoney vinh danh là “ngân hàng tốt nhất Việt Nam” lần thứ 5 kể từ năm 2008. Sự kiện cũng đánh dấu cột mốc Techcombank là ngân hàng Việt Nam duy nhất vinh dự được nhận giải thưởng từ 3 tổ chức lớn uy tín hàng đầu thế giới là: Euromoney, Global Finance và FinanceAsian.
Tương tự Techcombank, xếp ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngân hàng tư nhân nộp ngân sách nhà nước, hoạt động kinh doanh của VP Bank thời gian qua tương đối ổn định. Số liệu từ báo cáo tài chính qúy II/2024 từ doanh nghiệp cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 4,4 nghìn tỷ đồng trong khi đó chỉ số này ở cùng kỳ năm trước chỉ là 2,6 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, con số tương ứng cùng kỳ là 2,4 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6, tổng nợ phải trả của VPBank là hơn 726 nghìn tỷ đồng. Trước đó, tính đến ngày 31/12/2023, chỉ số này là gần 678 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong vòng 6 tháng, tổng nợ phải trả của VPBank tăng lên 48 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng trong quý II/2024, là 864 nghìn tỷ đồng.
Đối với ngân hàng ACB, nhà băng xếp thứ 3 trong danh sách các ngân hàng tư nhân nộp ngân sách nhà nước, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 thể hiện qua báo cáo tài chính tương đối tốt. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt được là tăng 538,5 tỷ đồng, tăng 14,38% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này có được chủ yếu do thu nhập lãi thuần quý II/2024 tăng lên 784,4 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế tăng 602,7 tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm trước. ACB cho biết chỉ số trên là nhờ thu nhập lãi thuần quý II/2024 tăng 865,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế của quý II/2024, là 4,2 nghìn tỷ đồng, thông số này ở cùng kỳ là 3,7 nghìn tỷ đồng.
Nhìn chung, các ngân hàng tư nhân ở Top đầu nộp ngân sách nhà nước đang mang đến gam màu tươi sáng hơn cho bức tranh tài chính ở Việt Nam.