5 doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: Công ty Xây dựng AA, Công ty cổ phần VNG, Tập đoàn du lịch Thiên Minh (Thien Minh Group), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Thế giới di động.
Đại diện của WEF cho biết, để được chọn vào danh sách GGCs là những công ty tăng trưởng nhanh và có nhiều tiềm năng để trở thành những “công ty lãnh đạo” trong nền kinh tế thế giới. 20 GGC của Đông Á đến từ nhiều ngành khác nhau, nhưng có đặc điểm chung là có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tốc độ trung bình của ngành, có nhiều cải tiến sáng tạo đi đầu trong hoạt động kinh doanh. Quả thực, 5 DN Việt Nam được bình chọn năm nay đều là những DN lớn, có tiềm năng trở thành đầu tàu trong lĩnh vực của mình.
Thủy sản Minh Phú (MPC)
Minh Phú là công ty đứng đầu về giá trị xuất khẩu trong ngành thủy sản Việt Nam, chuyên về xuất khẩu tôm.Năm 2013, Minh Phú xuất khẩu 38,7 nghìn tấn tôm, tổng doanh thu thuần của công ty đạt 11 nghìn tỉ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú duy trì tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Đặc biệt là năm 2013 đạt 519,53 triệu USD, tăng 40% so với năm 2012. Để đạt mức tăng trưởng cao, Minh Phú đã đầu tư công suất chế biến, phát triển vùng nuôi để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, công ty này cũng được hưởng lợi từ giá tôm tăng.
Năm 2014, Minh Phú không tiếp tục mở rộng vùng nuôi tôm mà chỉ tiến hành nuôi hết diện tích hiện có, triển khai chuỗi cung ứng tôm bền vững.
Quý 1 năm 2014, Minh Phú vẫn đang khá vững vàng ở vị trí doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đạt 97,8 triệu USD. Doanh thu của Minh Phú đạt hơn 2.700 tỉ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 165 tỉ đồng, tăng vọt so với mức 17,8 tỉ đồng năm 2013.
Trong năm 2013, HĐQT của Minh Phú đã thông qua kế hoạch hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Nguyên nhân được Minh Phú đưa ra là để có thể bán được cổ phần cho nhà đầu tư với giá cao hơn.
Thế giới di động
Cùng với Nguyễn Kim, Thế giới di động là một trong hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường điện máy Việt Nam.Bất chấp kinh tế khó khăn, Thế Giới Di Động vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 200% giai đoạn 2007-2010. Thời điểm đó, mô hình cửa hàng lớn đã giúp Thế giới di động tạo lợi thế cạnh tranh so với những điểm bán hàng nhỏ không chính hãng khác.
Năm 2013, doanh thu thuần của công ty đạt 9,5 nghìn tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 258,4 tỉ đồng, hơn gấp đôi so với mức 126,1 tỉ đồng năm 2012.
Năm 2014, ban lãnh đạo của công ty cũng đặt ra mục tiêu khá tham vọng: 13 nghìn tỉ đồng doanh thu, tăng 37% và lợi nhuận sau thuế 435 tỉ đồng, tăng 68%. Để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, TGDĐ sẽ phải mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ nữa. Tập đoàn này đang hướng tới thị trường nông thôn, nơi còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Thế giới di động dự kiến việc niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 7 tới. Với mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu, ông Nguyễn Đức Tài và ông Trần Lê Quân, 2 trong số 5 nhà sáng lập của TGDĐ sẽ gia nhập Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài trị giá hơn 900 tỷ đồng.
Công ty xây dựng AA
AA Corporation được thành lập vào năm 1993 với tư cách là một nhà thầu nội thất chuyên thi công những dự án khách sạn cao cấp tại Việt Nam. Đến năm 1996, AA Corporation mở rộng phạm vi hoạt động và bắt đầu sản xuất đồ nội thất theo hợp đồng cho các dự án khách sạn. Nội thất tại những thương hiệu khách sạn 5 sao nổi tiếng như Accor, Sofitel, Ritz Carlton, … đều có bàn tay của AA đằng sau.
Trả lời Nhịp cầu đầu tư, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT AA cho biết, tăng trưởng trung bình của AA trong 3 năm qua là khoảng 28%. Tăng trưởng xuất khẩu 3 năm vừa qua của AA có năm đạt ở mức 100%. Năm 2013, tỉ lệ doanh thu nội địa và xuất khẩu của AA lần lượt là 60% và 40%; kế hoạch năm nay là 50%-50%
Về mặt doanh thu năm 2013, AA đạt khoảng 75 triệu USD. Mục tiêu trong vòng 3 -5 năm nữa con số này sẽ ở mức khoảng 200 triệu USD. Ông Khanh không công bố con số lợi nhuận.
Tập đoàn Du lịch Thiên Minh (TMG)
Tên tuổi Thiên Minh và chủ tịch Trần Trọng Kiên nổi lên rất nhanh trong ngành du lịch sau khi tập đoàn này chi ra 45 triệu USD để mua lại chuỗi 6 khách sạn Victoria hồi năm 2011. Hiện tại, Thiên Minh đang sở hữu chuỗi 13 khách sạn 3 và 4 sao, hầu hết đều là mua lại từ các đơn vị tư nhân của Việt Nam và Lào. Cuối năm 2013, Thiên Minh bỏ ra 54 tỉ đồng mua lại hãng hàng không Hải Âu, chuyên cung cấp các loại thủy phi cơ bay chặng ngắn.
Các khoản đầu tư của Thiên Minh hiện tập trung vào 2 mảng kinh doanh chính: Du lịch, lữ hành và bất động sản nghỉ dưỡng. Hằng năm TMG phục vụ khoảng 90.000 khách dụ lịch đến khu vực Đông Nam Á và 200.000 khách sử dụng dịch vụ lưu trú tại hệ thống khách sạn của công ty.
Bên cạnh vai trò là ông chủ Thiên Minh, ông Kiên còn là thành viên HĐQT của ngân hàng ACB.
Công ty cổ phần VNG
Thành lập từ năm 2004, VNG là công ty đi tiên phong trong lĩnh vực game online tại Việt Nam và nhanh chóng gặp hái thành công. Lợi nhuận từ việc phát hành game mang lại giúp VNG mở rộng và phát triển thêm các lĩnh vực về nội dung số, giải trí trực tuyến, mạng xã hội, thương mại điện tử,... Hiện tại, VNG là một trong những công ty Internet lớn nhất Việt Nam.
Dù là công ty đại chúng nhưng VNG không cung cấp thông tin lên Ủy ban chứng khoán. Báo cáo tài chính hay báo cáo quản trị của công ty không được công bố. Vì vậy những thông tin về công ty cũng hết sức mù mờ
Theo Tri thức trẻ