"Khép lại" gói 30 nghỉn tỷ đồng!
Gói 30 nghìn tỷ đồng đã chính thức khép lại!
Ngày 28/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các ngân hàng đang triển khai gói 30.000 tỷ, về việc dừng ký hợp đồng tín dụng mới, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Theo đó, trường hợp đến ngày 1/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết gói 30.000 tỷ đồng của toàn bộ Chương trình.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại đến ngày 10/5/2016, ngày 30/5/2016, NHNN đã có công văn trình Thủ tướng về phương án gia hạn chương trình theo hướng: Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016; Dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Trong khi chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng đã ký.
Thời gian qua, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã thực sự trở thành “cứu cánh”, biến giấc mơ an cư của hàng nghìn người thu nhập thấp trở thành hiện thực. Dư luận và đặc biệt là người thu nhập thấp đang mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có một gói tín dụng tương tự như gói 30 nghìn tỷ đồng trong thời gian sớm nhất, để giấc mơ an cư của người thu nhập thấp sớm trở thành hiện thực.
Chưa “siết” tín dụng bất động sản
Về cơ bản dòng vốn tín dụng được quy định sẽ vẫn giữ nguyên như năm 2015.
Hồi đầu năm 2016, khi có thông tin NHNN đưa ra dự thảo Thông tư 36 sẽ “siết” chặt hơn dòng vốn này, bằng việc nâng hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%. Theo nhiều chuyên gia địa ốc, nếu quy định này được thực thi thì sẽ tác động lớn đến thị trường, chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Các Hiệp hội ngành nghề cũng đã có kiến nghị.
Theo Thông tư 36 sửa đổi mà NHNN vừa ban hành thì hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến, và được thực hiện từ 1/1/2017; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.
Như vậy, có thể thấy với quy định này thì về cơ bản dòng vốn tín dụng được quy định sẽ vẫn giữ nguyên như năm 2015.
Tuy nhiên, NHNN cũng vừa ban hành Chỉ thị số 04 về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cho những tháng cuối năm. Theo đó, Thống đốc yêu cầu theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước.
Công bố hàng loạt doanh nghiệp địa ốc nợ thuế "khủng"
Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã 5 lần công bố danh sách các đơn vị nợ thuế kéo dài. Tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp lên tới vài trăm tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Cục Thuế công khai 655 và đã có 322/655 đơn vị nộp nợ thuế với số tiền là 146,8 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 22/4/2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1624/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo Đôn đốc thu hồi nợ động thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn Hà Nội. Cục Thuế Hà Nội cũng đã kịp thời ban hành công văn số 26994/CT-QLN ngày 29/4/2016 về việc triển khai quản lý nợ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng.
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, với những nỗ lực của cơ quan thuế cộng với sự hồi phục của nền kinh tế, mong rằng các chủ dự án, doanh nghiệp thu xếp được nguồn tài chính nộp vào NSNN trước khi cơ quan thuế công khai danh sách nợ hoặc áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn. Đồng thời nhấn mạnh những doanh nghiệp chây ì sẽ tiếp tục áp dụng quyết liệt các biện pháp cưỡng chế tài khoản và hóa đơn theo quy định.
Nhân viên môi giới BĐS phải thi sát hạch
Từ ngày 16/2/2016, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề.
Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ ngày 16/2/2016, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Ngoài ra, sàn giao dịch BĐS phải do đơn vị doanh nghiệp lập ra, có đăng ký. Đây được xem là động thái mạnh tay siết lại tình trạng hỗn loạn sàn giao dịch, nhân viên môi giới BĐS trong thời gian qua.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch BĐS; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
Theo đó, người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS; thị trường BĐS; đầu tư BĐS; phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS. Phần kiến thức chuyên môn, bao gồm: Tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS; quy trình và kỹ năng môi giới BĐS; giải quyết tình huống trên thực tế.
Đối với thí sinh có chứng chỉ môi giới BĐS do nước ngoài cấp còn hiệu lực và trường hợp xin cấp lại chứng chỉ do chứng chỉ cũ hết hạn thì chỉ phải thi phần kiến thức cơ sở, không phải thi phần kiến thức chuyên môn. Thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù; tốt nghiệp từ THPT trở lên; đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi và kinh phí dự thi cho đơn vị tổ chức kỳ thi theo quy định.
Lùm xum "chưa dứt" tại dự án 8B Lê Trực!
Cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Ngoài ra, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2.
Sáng ngày 6/3, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, song đến nay đã gần 4 tháng trôi qua, việc tháo dỡ phần sai phạm này vẫn đang "giậm chân tại chỗ" khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Phương Linh