Top 10 sự kiện bất động sản nổi bật nhất năm 2020

2020 - một năm đầy biến động của thị trường bất động sản Việt Nam đang dần khép lại. Trước thềm năm mới, cùng điểm lại 10 sự kiện (xu hướng) nổi bật nhất của th

1. Bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, để huy động vốn cho các dự án trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng bị siết chặt, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đã ồ ạt phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn.

Đặc biệt, trước khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP chính thức hiệu lực từ 1/9/2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sơ cấp đã tăng tốc mạnh trong tháng 7 và 8.

Theo SSI Reseach, lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành tính riêng trong quý 3/2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng, tập trung vào tháng 7 và 8/2020, tương đương 44% tổng TPDN mà các doanh nghiệp BĐS phát hành trong 9 tháng đầu năm 2020.

Một số doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý 3/2020 là: CTCP Đầu tư Quang Thuận (9.450 tỷ đồng, chia làm 89 đợt), Novaland (7.017 tỷ đồng, chia làm 21 đợt), Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc (6.450 tỷ đồng, chia làm 47 đợt), CTCP BĐS Mỹ (2.364 tỷ đồng, chia làm 51 đợt)…

Top 10 sự kiện bất động sản nổi bật nhất năm 2020 - Ảnh 1

SSI cho biết Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phát hành 75 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 9. Sang tháng 10, doanh nghiệp này phát hành tiếp 80 triệu USD trái phiếu niêm yết trên sở GDCK Đài Bắc (Đài Loan).

Tính chung 9 tháng, 88 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 137,5 tỷ đồng trái phiếu, trong đó chỉ có 16 doanh nghiệp BĐS niêm yết phát hành 26,7 nghìn tỷ đồng, còn lại 110,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 80,6%) là do 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.

Cùng với khối lượng phát hành lớn thì cuộc đua nâng lãi suất trái phiếu cũng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Theo đó, mức lãi suất cao nhất trong khối doanh nghiệp địa ốc lên đến 18%, là lãi suất trái phiếu của Apec Group.

Ngoài ra, hàng loạt “ông lớn” địa ốc cũng đang chi trả mức lãi suất cao hiện nay như Novaland (10,6%), TNR Holdings (10,9%), City Garden (13%/năm), IDJ Việt Nam (13%), BĐS Phát Đạt (13%),…

Theo các chuyên gia, cuộc đua lãi suất trái phiếu bất động sản tăng cao khiến rủi ro cũng tăng theo, không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho cả các doanh nghiệp phát hành bởi khi phát hành với lãi suất quá cao thì áp lực trả nợ cũng tăng theo, gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã 2 lần ban hành văn bản nhắc nhở các nhà đầu tư thận trọng với các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, đặc biệt với các lô trái phiếu có mức lãi cao đột biến. Nhà đầu tư được khuyến nghị cân nhắc tiềm lực tài chính của đơn vị phát hành, mục đích sử dụng vốn cũng như tính hiệu quả kinh doanh…

2. Xu hướng bắc tiến của các đại gia phía Nam

Nếu như những năm trước đây, thị trường địa ốc chứng kiến làn sóng dịch chuyển của các “đại gia” phía Bắc vào miền Nam như: Vingroup, FLC Group, CEO Group, Mường Thanh, Geleximco,… thì hiện nay, làn sóng này đang có sự đảo chiều khi thị trường ghi nhận hàng loạt “ông lớn” bất động sản miền Nam đang ồ ạt tiến ra phía Bắc và nhắm đến thị trường Hà Nội.

Điển hình trong đó có thể kể đến như Tập đoàn Masterise Group với dự án Masteri Waterfront; Tập đoàn Phú Long với dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2 có quy mô gần 200ha; Phú Mỹ Hưng có kế hoạch phát triển dự án ở phía tây Hà Nội; Him Lam với dự án Him Lam Vạn Phúc, Trung Thủy cũng đổ bộ thị trường Hà Nội với loạt dự án mang thương hiệu Lancaster ở khu vực hồ Giảng Võ (Ba Đình) và đường Láng (Đống Đa)…

Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh phía Bắc cũng ghi nhận sự nhập cuộc của các đại gia địa ốc đến từ phương Nam. Him Lam Land công bố ra thị trường dự án khu đô thị Him Lam Green Park 26,8ha tại Bắc Ninh; đoàn Nam Long cũng bắt tay vào triển khai dự án Khu đô thị Nam Long-Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng); CTCP May - Diêm Sài Gòn dù chưa có động thái triển khai dự án ở Hà Nội nhưng thời gian gần đây cũng gây chú ý khi liên tục thâu tóm quĩ đất tại một số tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình…

Phối cảnh dự án Masteri Waterfront.
Phối cảnh dự án Masteri Waterfront.

Về nguyên nhân của xu hướng này, Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, có 3 yếu tố chính khiến thị trường BĐS Hà Nội trở thành một thị trường tiềm năng.

Thứ nhất, pháp lý khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam. Thứ ba, các chủ đầu tư phía Nam đánh giá có đủ khả năng và năng lực tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, mặc dù làn sóng "Bắc tiến" của các đại gia địa ốc phía nam đang nở rộ, nhưng các ông lớn phía Nam lại khặp rất nhiều tthách thức tại thị trường Hà Nội, trong đó thách thức lớn nhất là hiểu được tâm lý khách hàng, hểu được thị trường miền Bắc. Vì vậy, liệu các CĐT đến từ phía Nam có thành công với xu hướng này hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

3. BĐS công nghiệp "lên ngôi" vì dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản gặp khó khăn, trong bối cảnh đó, bất động sản công nghiệp lại nổi lên như một điểm sáng.

Theo LL Việt Nam, Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với sở hữu tài sản công nghiệp trong nửa đầu năm 2020. Tính riêng trong quý II/2020, một số chủ đầu tư khu công nghiệp đã nâng giá đất đạt mức trung bình 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng diện tích đất cho thuê của khu vực miền Nam đạt mức 25.045 ha vào quý 2/2020. Các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy nhanh chóng.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục tăng qua các năm, các đại gia ngoại liên tục rót vốn vào các khu công nghiệp, đây cũng chính là nền tảng để BĐS công nghiệp Việt Nam "cất cánh".

Điển hình như mới đây, Tập đoàn Logos (Australia) vừa đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để tiến vào thị trường Việt Nam; tương tự, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation (Hàn Quốc) cũng đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley tại Bắc Ninh; ngoài ra, “gã khổng lồ” phát triển kho bãi ở châu Á GLP cũng đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistics Partners Việt Nam.

Về đầu tư trong nước, theo cập nhật từ Savills Việt Nam, Công ty CP TIZCO và Công ty CP Quản lý khu công nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ tham gia đầu tư góp vốn vào Khu công nghiệp (KCN) Việt Phát (Long An) vào năm 2021. Hiện giá trị thương vụ góp vốn này vẫn chưa được tiết lộ….

Lý giải việc Việt Nam trở thành “điểm nóng” đầu tư bất động sản công nghiệp, Savills cho rằng một trong những lý do chính là mức lương ngành sản xuất còn khá rẻ; chi phí xây dựng nhà xưởng, kho chứa tại Việt Nam cũng rẻ hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Hơn nữa, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi là điểm trung chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Do đó, Việt Nam có lợi thế lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển logistics.

4. Sốt đất vùng ven Hà Nội ăn theo "siêu dự án"

Thời gian qua, thị trường bất động sản chứng kiến hiện tượng sốt giá đất nền tại các các khu vực vùng ven Hà Nội. Trong đó, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hòa Bình… là những khu vực thường xuyên rơi vào trạng thái “nóng lạnh thất thường”, thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư và dư luận.

Gây chú ý nhất là cơn sốt đất diễn ra tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội), vào đầu năm 2020, nhiều nhà đầu tư ùn ùn kéo đến tìm mua đất, đẩy giá đất ven khu vực dự án tăng chóng mặt , nhiều khu vực tăng giá gấp đôi, thậm chí cao hơn.

Nguyên nhân được xác định là do thị trường xuất hiện thông tin, sắp tới Tập đoàn Vingroup sẽ triển khai "siêu dự án" có quy mô hàng trăm ha tại đây.

Cò đất thổi giá khiến đất nề Hòa Lạc lên cơn sốt, môi giới, nhà đầu tư đổ về tìm hiểu đất nền Đồng Trúc. Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng
Cò đất thổi giá khiến đất nề Hòa Lạc lên cơn sốt, môi giới, nhà đầu tư đổ về tìm hiểu đất nền Đồng Trúc. Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng

Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, cơn sốt cục bộ này cũng chìm nghỉm khi công an vào cuộc xác minh các đầu nậu, cò đất thổi giá, thực tế chưa có quy hoạch khu đô thị nào được duyệt tại xã Đồng Trúc. Thông tin này đã khiến thị trường nhanh chóng nguội lạnh, đất nền khu vực này không còn được thị trường quan tâm, giá đất giảm khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại lớn.

Cơn sốt đất nền ăn theo siêu dự án vừa dứt, đến cuối tháng 5/2020, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỉ lệ 1/10.000, cơn sốt đất nền mới lại được giới đầu cơ bơm thổi.

Tuy nhiên, sau cơn sốt đất tại Đồng Trúc vào tháng 4 vừa qua gây thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư, các nhà đầu tư đã cảnh giác hơn trước lời mời chào từ các đầu nậu, cò đất khiến giao dịch thực tế cũng không cao, thị trường đất nền khu vực trong tình trạng "nóng lạnh thất thường".

5. Thủ Đức lập thành phố, giá đất tăng phi mã

Chiều ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM với tỷ lệ đồng ý 100%. Theo đó, Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Sau thông tin Thủ Đức lên thành phố, cơn sốt giá nhà đất khu vực này lập tức bùng phát, tại các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, 3 quận đã được quy hoạch của thành phố mới Thủ Đức đang ghi nhận những mức giá “trên trời”, với mức tăng 20% - 40% trong chưa đầy 1 năm.

Cụ thể, tại phường Trường Thọ (quận Thủ Đức), nơi được quy hoạch làm trung tâm thành phố mới Thủ Đức, giá đất mặt đường đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, dao động từ 70 - 120 triệu đồng/m2, tăng 20% so với 4 tháng trước và tăng gần 40% so với cuối năm 2019. Các khu vực khác tại quận 9 và quận Thủ Đức cũng tăng 20%, dao động từ 30 triệu - 70 triệu đồng/m2.

Giao lộ ngã ba Cát Lái thuộc thành phố Thủ Đức. Ảnh: Tiền Phong.
Giao lộ ngã ba Cát Lái thuộc thành phố Thủ Đức. Ảnh: Tiền Phong.

Trong khi đó, tại quận 2, nhiều vị trí tại các phường An Phú, An Khánh và phường Thạch Mỹ Lợi, đã thiết lập “đỉnh” giá lên tới 140 triệu đồng/m2, tăng 30 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2019.

Không chỉ nhà phố hay đất nền, căn hộ ở thành phố Thủ Đức cũng tăng giá mạnh. Nhiều căn hộ giá khởi điểm 30-35 triệu đồng/m2 ở năm 2019 hiện đã leo lên 37-40 triệu đồng/m2. Giá chung cư thứ cấp trên các tuyến Đồng Văn Cống, Xa Lộ Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên 300-400 triệu đồng/căn so với đầu năm 2019.

Nhận định về câu chuyện tăng giá bất động sản tại Thủ Đức, Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty CP DKRA Việt Nam cho rằng, việc thành lập thành phố Thủ Đức đang giúp thị trường bất động sản khu vực này nóng lên. Nhiều chủ đầu tư tận dụng thông tin trên làm lợi thế gia tăng quảng cáo, thu hút người mua, nhiều dự án nhờ vậy cũng tranh thủ đẩy mặt bằng giá lên một mức mới.

Tuy nhiên, ông Hoàng cảnh báo, nếu không có quy hoạch cụ thể, nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị của những người có điều kiện tài chính với giá bất động sản quá cao so với mặt bằng chung của TPHCM. Hiện tại không thể tìm thấy một dự án căn hộ giá dưới 40 triệu đồng/m2 tại đây. Người mua nhà ở vừa túi tiền và nhà ở lần đầu khó có thể chen chân vào khu vực này.

6. Địa ốc giảm giá, bất động sản nghỉ dưỡng "đứng hình" vì đại dịch Covid 19

Năm 2020 là một năm đầy biến động của thị trường bất động sản dưới tác động của dịch Covid-19. Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ nhất từ đầu năm 2020 đã khiến thị trường hứng chịu "cú sốc" đầu tiên, các kế hoạch của doanh nghiệp dường như bị đảo lộn, công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án…, của nhiều doanh nghiệp phải dừng, hoãn hoặc lùi vô thời hạn. Thị trường "khó chồng khó", giao dịch sụt giảm chưa từng thấy.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, quý 2/2020 lượng tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý 4/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019.

Cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 bùng phát lần 2, bắt đầu từ Đà Nẵng. Dịch bùng phát trở lại được ví như một "cú đấm bồi" vào thị trường vốn đang rất nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Thị trường Đà Nẵng "đóng băng", bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm, công suất lấp đầy chỉ ở ngưỡng 25%.

Thị trường căn hộ thứ cấp diễn ra tình trạng giảm giá sâu, "cắt lỗ" ồ ạt. Nhiều nhà đầu tư gặp khó về dòng tiền đã buộc phải bán tháo nhà đất, chấp nhận lỗ để xoay vòng vốn, trả nợ ngân hàng, hoặc lo giá nhà, đất có xu hướng giảm. Thậm chí những cảnh báo về việc giá nhà đất "chạm đáy" cũng được đưa ra.

Trên thị trường sơ cấp, giá bán căn hộ dù không trực tiếp giảm nhưng đã xuất hiện làn sóng giảm giá gián tiếp bằng các gói ưu đãi, khuyến mãi, chiết khấu cao cho người mua như TNR Goldmark City chiết khấu 17%, Athena Complex Pháp Vân chiết khấu 11%; HPC Landmark 105 Hà Đông chiết khấu 12%; King Palace (108 Nguyễn Trãi) chiết khấu 12,9% và còn tặng kèm gói nội thất...

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng ảm đạm do ảnh hưởng dịch Covid 19.
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng ảm đạm do ảnh hưởng dịch Covid 19.

Bên cạnh đó, thị trường cho thuê sụt giảm nghiêm trọng, giá thuê nhà giảm mạnh vẫn không có khách thuê. Giá cho thuê các căn nhà mặt phố trên các khu "đất vàng" tại Hà Nội, TP.HCM dù có mức giá đang giảm đến 30 - 40% những vẫn rơi vào cảnh ế ẩm, ảm đạm…

Đến thời điểm hiện tại, dịch covid 19 được kiểm soát tại Việt Nam, thị trường bất động sản cũng đang có những dấu hiệu sôi động trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sẽ phải mất một thời gian dài, thị trường mới có thể phục hồi, ổn định.

7. Khan hiếm nguồn cung dự án mới, lệch pha cung – cầu nghiêm trọng hơn

Năm 2020, thị trường bất động sản ghi nhận phân khúc căn hộ bình dân bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch.

Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ bình dân, vừa túi tiền của khách hàng đã dẫn đến giá nhà tăng, làm cho phần lớn người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp ở đô thị và người nhập cư khó mua nhà hơn so với thời điểm trước đây.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong quý III/2020, căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như: Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... Tuy nhiên, tỉ lệ hấp thụ phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%.

Theo CBRE Việt Nam, nguồn cung căn hộ tại TPHCM quý III năm 2020 giảm đến 70% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do các dự án chậm được cấp phép, thị trường bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19.

Việc thiếu, sụt giảm nguồn cung tại các phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân là một trong những nguyên nhân không nhỏ làm cho thị trường căn hộ giảm cả lượng hàng rao bán và số lượng giao dịch. Vì trên thực tế, nhiều người dân có nhu cầu mua căn hộ trung cấp hay bình dân để ở thì lại hầu như không có nguồn cung đáp ứng.

Đáng chú ý, tại thị trường TP HCM đang diễn ra tình trạng lêch pha cung – cầu ở mức đáng báo động. Căn hộ vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống tức 25-30 triệu đồng/m2 gần như vắng bóng trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu của người dân tại TP. Hồ Chí Minh với những sản phẩm này rất lớn.

Báo cáo tình hình thị trường BĐS quý 3/2020, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho biết, trong cơ cấu nguồn cung nhà ở mới tại TP.HCM, loại hình căn hộ có mức giá bình dân không còn xuất hiện trên thị trường.

Ngược lại, lượng cung căn hộ trung và cao cấp quá lớn. Phân khúc căn hộ cao cấp dẫn đầu về nguồn cung cũng như lượng giao dịch.

Nhận định về tình trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng đây là biểu hiện rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.

8. Các hoạt động M&A dự án sôi động

Dịch bệnh Covid-19 tưởng chừng khiến thị trường M&A sụt giảm nghiêm trọng nhưng thực tế, nhiều thương vụ triệu đô trong năm 2020 đã được xác lập trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, đầu năm 2020, là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation (40%), Nomura Real Estate Development (40%) và Vingroup (20%) đã bắt tay cùng phát triển phân khu 10.000 căn hộ tại Vinhomes Grand Park, một khu đô thị tại Quận 9, TP.HCM.

Một giao dịch khác được công bố là sự hợp tác giữa Swire Properties và City Garden JSC để cùng phát triển “The River”, một dự án khu dân cư cao cấp tọa lạc tại Thủ Thiêm, TP.HCM

Quý III/2020, Novaland cũng đã hoàn tất thỏa thuận chuyển nhượng 51% cổ phần đang nắm giữ tại một công ty sở hữu dự án bất động sản thuộc khu vực trung tâm TP.HCM. Đồng thời, tính đến hết tháng 9/2020 tập đoàn này cũng đã hoàn tất việc mua lại 99,98% Liberty với trị giá 1.400 tỷ đồng (công ty đang sở hữu 14,12% tại Thạch Mỹ Lợi - một dự án có quy mô gần 180ha tại Quận 2).

Tại Bình Dương, Phát Đạt đã tiến hành bắt tay với Tập đoàn Danh Khôi để phát triển dự án Astral City - dự án vừa được ra mắt vào hồi tháng 10/2020. Trong quý III, Phát Đạt cũng hoàn tất mua lại CTCP Bến Thành - Long Hải, chủ dự án khu du lịch Bến Thành - Long Hải tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát Đạt đã chi tới 1.375 tỷ đồng để mua lại 68,75% vốn công ty này.

Tập đoàn Danh Khôi cũng đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier.

9. Nở rộ các hình thức huy động vốn kèm cam kết lợi nhuận "khủng"

Thị trường bất động sản khó khăn từ cuối năm 2019, tiếp đó sự bùng phát và lan rộng của dịch Covid – 19 đến nay đã khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi. Ðói vốn, không ít ông lớn địa ốc phải xoay xở tìm cách bán hàng, gọi vốn bằng các hình thức hợp tác kinh doanh, tung ra thị trường các sản phẩm bất động sản cam kết lãi suất cao…

Điển hình là tập đoàn AG Land (vừa được thành lập vào tháng 1/2020 có địa chỉ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi thông báo chính sách cho gói hợp tác kinh doanh Bất động sản với cam kết lợi nhuận lên đến 35%. Đơn vị này quảng cáo trong vòng 2 tháng, khách hàng nào tham gia gói hợp tác kinh doanh 1-3 tỷ đồng đều được hưởng cam kết lợi nhuận với lãi suất lên tới 35%/năm, gấp 6-7 lần lãi suất tiết kiệm hiện nay của các ngân hàng.

Hay nhiều dự án đầu tư chung bất động sản trên nền tảng trực tuyến cho phép một dự án bất động sản hoặc một tài sản được chia nhỏ làm nhiều phần để nhiều Nhà đầu tư (Investor) tham gia. Mỗi Đơn vị hợp đồng có thể được định giá là 1.000.000đ, hay ở mức bất kỳ tuỳ Chủ đầu tư.

Dự án Revex của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (CenGroup) cũng cho phép khách mua góp vốn mức tối thiểu từ 1 triệu đồng, lãi cam kết 10 – 14%/năm.

Sunshine Group cũng phát triển ứng dụng Sunshine App, trong đó cho phép các nhà đầu tư chung bất động sản của Sunshine, theo như quảng cáo là chỉ từ 100 triệu là nhà đầu tư có thể tham gia và bán lại khoản đầu tư của mình ngay trên App. Ngoài ra, tại dự án Sunshine Venicia Thủ Thiêm của đã được Shunshine tổ chức bán bằng hình thức mua trái phiếu,…

Ngoài ra còn có các loại hình đầu tư chung nhà trọ tiền chế gần đây với lợi nhuận hấp dẫn hơn 40%/năm, hay trước đây là những chương trình đầu tư kỳ nghỉ của ALMA dính nhiều tại tiếng, nhiều trường hợp tranh chấp xảy ra nhưng không thể xử lý,…

10. Thành Lập Thành phố biển đảo Phú Quốc

Ngày 9/12, tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Theo đó, Phú Quốc sẽ trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam kể từ ngày 1/3/2021.

Phú Quốc sẽ trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam kể từ ngày 1/3/2021. (Ảnh: kiengiang.gov.vn).
Phú Quốc sẽ trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam kể từ ngày 1/3/2021. (Ảnh: kiengiang.gov.vn).

Thông tin Phú Quốc chính thức trở thành TP đảo đầu tiên của Việt Nam đã đánh dấu một bước phát triển mới, mở ra nhiều kỳ vọng cho đảo Ngọc. Đây cũng đang là những thông tin giới đầu tư nhà đất đặc biệt quan tâm, sự kiện này tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản địa phương này sau một khoảng thời gian dài trầm lắng.

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, dòng tiền đổ vào bất động sản Phú Quốc vẫn tăng bất chấp dịch bệnh Covid-19, chứng tỏ đề án nâng cấp thành phố đã có tác động tích cực.

Vị chuyên gia nhận định, từ cái nền là cơ chế mới cho thành phố, Phú Quốc sẽ có thêm nguồn ngân sách để phát triển hạ tầng xứng tầm với vị thế mới. Đi kèm với đó, thời gian tới, sẽ có thêm các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho nhiều người sẽ chọn Phú Quốc làm nơi sinh sống, kinh doanh, thậm chí là địa điểm an dưỡng tuổi hưu…

Còn Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Phú Quốc sẽ khởi sắc trở lại theo hướng thực chất và ổn định, lâu dài hơn. Thành phố Phú Quốc sẽ tạo xung lực đủ để kích thích thị trường nhưng sẽ không 'phát sốt', không có chuyện đất tăng giá nhanh và cao như các đợt sốt lần trước.

Theo thống kê của UBND nhân nhân tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc có 320 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340 ngàn tỉ đồng. Trong đó 47 dự án đã hoạt động, 71 dự án đang triển khai xây dựng. Hàng loạt "ông lớn" như Vingroup, SunGroup, Bim Group, CEO Group... hiện cũng đã có mặt, đầu tư vào Phú Quốc.

Trước đó, thị trường bất động sản Phú Quốc đã trầm lắng trong gần ba năm qua, kể từ sau khi Quốc hội tạm dừng thông qua Luật Đặc Khu năm 2018.

Ngay sau khi thông tin dừng quy hoạch đặc khu được công bố đã lập tức tác động đến thị trường BĐS thời điểm đó. Sau thông tin này, mức độ quan tâm, tìm kiếm BĐS tại địa bàn tỉnh Kiên Giang giảm hơn 60% so với nhu cầu tìm mua trước đó.

Số lượng văn phòng môi giới nhà đất tại Phú Quốc đóng cửa, rút lui đến 70 – 80% so với thời kì sốt đất hồi cuối 2017 – đầu 2018. Số còn lại chỉ đang hoạt động cầm chừng. Lượng giao dịch BĐS cũng giảm tỉ lệ thuận với số lượng văn phòng môi giới đóng cửa, giá đất quay đầu giảm mạnh…

Tình trạng này kéo dài cho đến khi xuất hiện thông tin Phú Quốc sẽ được "nâng cấp" lên thành phố, thị trường BĐS nơi đây mới dần có những dấu hiệu tích cực trở lại.

Theo tiết lộ của môi giới, hiện tại vị trí đất Phú Quốc đắt giá nhất là ở các khu đường chính. Giá đất nền Phú Quốc rơi vào khoảng từ 100 triệu tới 400 triệu đồng một mét vuông. Giá sẽ thấp hơn ở các khu đường phụ, giá rơi vào từ 20 triệu tới 50 triệu đồng một mét vuông.

 

Linh Lan (t/h)

SHTT
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục