Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) thông báo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2019.
Theo đó, BIDV đã phân phối được 299.932 trái phiếu, bao gồm 249.932 trái phiếu kỳ hạn 7 năm đáo hạn năm 2026 và 50.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm đáo hạn năm 2029, chiếm 99.98% tổng số trái phiếu được phép chào bán. Tổng giá trị chào bán thành công gần 3.000 tỷ đồng. Còn lại là 68 trái phiếu năm 2026 chưa phân phối.
Như vậy, với kết quả phát hành như trên, BIDV đã có thêm gần 3.000 tỷ đồng để bổ sung vào vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay VND trong năm 2019 đối với các dự án trung và dài hạn.
Đây đều là các loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng theo quy định hiện hành, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất thả nổi theo lãi suất của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Cụ thể, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm bằng lãi suất tham chiếu cộng 1,2%/năm; trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 1,3%/năm.
Nguồn: Báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2019 của BIDV.
Sau đợt chào bán trái phiếu này, tổng nợ của BIDV tính đến cuối ngày 25/9 đã tăng lên hơn 1.11 triệu tỷ đồng (tương đương tăng 1,3% so với cuối ngày 14/8 – thời điểm trước đợt phát hành).
Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng từ 671.674 tỉ đồng lên 690.613 tỷ đồng còn nợ dài hạn giảm nhẹ xuống 423.124 tỷ đồng.
Với mức vốn điều lệ chỉ hơn 34.187 tỷ đồng, tỷ lệ nợ nợ/vốn điều lệ của BIDV tính đến cuối ngày 25/9 đã vượt 32 lần.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2019 BIDV tiếp tục là "quán quân" dẫn đầu về số dư nợ xấu với 21.121 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm trước. Mức tăng trưởng cho vay tại ngân hàng này trong nửa đầu năm là 7,7%, đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 46% lên 10.492 tỉ đồng và chiếm tới gần 50% tổng nợ xấu của BIDV.
Tương tự tại Techcombank, trái phiếu đang là "phao cứu" cho vấn đề tăng vốn của ngân hàng này trong nhiều năm qua. Theo kế hoạch, Techcombank dự kiến phát hành trái phiếu hai đợt trong quý III và quý IV năm nay, với quy mô mỗi đợt khoảng 5.000 tỷ đồng. Mục đích là để tăng quy mô hoạt động và các tỷ lệ an toàn vốn.
Trong 6 tháng qua, ngân hàng có hơn 3.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng 17,8%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 33,5%.
Hà Phương