Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình vụ tăng cước phí lên tài xế

Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và cá nhân, Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu Grab giải trình về việc doanh nghiệp này tăng cước, tăng phí lên các tài xế.

Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và cá nhân, Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu Grab giải trình về việc doanh nghiệp này tăng cước, tăng phí lên các tài xế.

Mới đây, rất đông tài xế đã tập trung tại khu vực trước trụ sở GrabBike (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối việc đơn vị này tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế. Các tài xế GrabBike đều cho rằng, nếu Grab muốn thu các khoản phí thì phải rõ ràng, minh bạch. Theo đại diện phía Grab, đơn vị đang cố gắng giải thích cho tài xế hiểu, đây là quy định của nhà nước chứ Grab không tự ý tăng như vậy.

Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình

Tuy nhiên, theo văn bản của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và cá nhân, Tổng cục Thuế khẳng định theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.

Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình vụ tăng cước phí lên tài xế - Ảnh 1

Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình vụ tăng cước, phí lên tài xế lái xe. Ảnh: VietnamFinance

Tổng cục Thuế khẳng định trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế VAT được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ.

Cũng theo Tổng cục Thuế, trên thực tế, Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.

"Việc Grab thay đổi chính sách giá và tỷ lệ chiết khấu cho tài xế tại thời điểm 5/12 và cho rằng do tác động của Nghị định 126 dẫn đến tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng", văn bản của Tổng cục Thuế nêu rõ.

Theo Tổng cục Thuế, Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế VAT, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% như từ trước đến nay.

Vì vậy, các quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (bởi các tài xế chỉ chịu Thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).

>>> Xem thêm: https://doanhnghieptiepthi.vn/tu-5-12-grab-bee-va-gojek-phai-nop-thay-thue-thu-nhap-ca-nhan-cua-tai-xe-161201127112417203.htm

Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình vụ tăng cước phí lên tài xế - Ảnh 2

Từ 5/12, các doanh nghiệp vận tải công nghệ Grab, Bee, Gojek sẽ phải hạch toán toàn bộ doanh thu, nộp 10% thuế giá trị gia tăng thay tài xế.

Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.

Lý giải của hãng Grab

Trước đó, theo giải thích của đại diện hãng Grab, thực chất chiết khấu vẫn là 20%, còn phần tăng thêm là thuế VAT áp dụng theo Nghị định 126.

Đại diễn hãng trích dẫn quy định của Nghị định 126 rằng, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, chúng tôi đã đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi..

Cũng theo đại diện Grab, theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

"Trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, chúng tôi đã tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ với Đầu Tư Tài Chính Việt Nam.

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục