Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến (VGG): Lãi “mỏng”, nợ tăng dù doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Dù doanh thu các năm của VGG vẫn duy trì ở mức hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng lại không tương xứng, việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ của công ty tăng 43,5% so với cùng kỳ, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Tiền thân là xí nghiệp May Việt Tiến, năm 2007, tổng công ty May Việt Tiến ra đời trên cơ sở tổ chức lại công ty May Việt Tiến thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Cũng trong năm này, bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 544/QĐ-BCN về việc cổ phần hóa tổng công ty May Việt Tiến.

Năm 2008, tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến (UPCoM: VGG) chính thức đi vào hoạt động. VGG được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM từ năm 2016. Ngành nghề chủ yếu của công ty là sản xuất và kinh doanh may mặc ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giới thiệu về công ty Cổ phần May Việt Tiến (ảnh chụp màn hình từ website công ty)
Giới thiệu về công ty Cổ phần May Việt Tiến (ảnh chụp màn hình từ website công ty)

Trụ sở công ty được đặt tại số 7 Lê Minh Xuân, phường 7, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Mã số thuế 0300401524. Người đại diện là ông Bùi Văn Tiến – Tổng giám đốc, hiện đang nắm giữ 0,47% cổ phần công ty.

Theo thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, tính đến tháng 4/2023, VGG đã tham gia tổng cộng 57 gói thầu, trong đó trúng 29 gói, trượt 11 gói, 4 gói chưa có kết quả, 13 gói đã bị hủy.

Dữ liệu của VGG trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc Gia
Dữ liệu của VGG trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc Gia

Tổng giá trị trúng thầu của công ty là 58,366 tỷ, bao gồm 817,1 triệu đồng là các gói chỉ định thầu. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 90,58%.

Liên quan đến tình hình tài chính, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh đã đem về cho VGG hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt trung bình vài trăm tỷ đồng. Tình trạng này phần nào do doanh nghiệp luôn kinh doanh với giá vốn suýt soát doanh thu.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022, VGG ghi nhận doanh thu thuần 8.464 tỷ đồng, giá vốn bán hàng ở mức 7.540 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 924,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng tăng vọt từ 216,4 tỷ đồng (năm 2021) lên 442,4 tỷ đồng, trong đó có 200,8 tỷ đồng là “chi phí bán hàng khác” – chưa được thuyết minh cụ thể, chiếm tới 45%.

Trừ đi các chi phí liên quan, VGG báo lãi sau thuế 177,2 tỷ đồng, tăng hơn 93,8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Phía công ty cho rằng sang năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã được phục hồi nên doanh thu tăng, dẫn đến lợi nhuận tăng so với năm 2021.

Kết quả kinh doanh của VGG trong 4 năm gần đây (2019 – 2022)
Kết quả kinh doanh của VGG trong 4 năm gần đây (2019 – 2022)

Trước đó, vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, chỉ số doanh thu – lợi nhuận của VGG giảm dần đều trong giai đoạn từ 2019 – 2021. Theo đó, kết thúc năm 2019, doanh thu của công ty ghi nhận 9.035 tỷ đồng, giảm xuống 7.120 tỷ đồng vào năm 2020 và tiếp tục giảm còn 6.008 tỷ đồng năm 2021.

Mặc dù doanh thu vẫn duy trì ở mức hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, song lợi nhuận thu về lại khá “mỏng”. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế lần lượt là 418,1 tỷ đồng (năm 2019), 150,9 tỷ đồng (2020) và 83,4 tỷ đồng (2021).

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, khi một doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp, nhiều khả năng họ đã chủ động trong việc quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập.

Nhìn vào bảng cân đối kế toán tính đến 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của VGG là 4.404 tỷ đồng, chiếm 70,9% tổng tài sản. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 1.702 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm trước, chủ yếu là tăng giá trị nguyên phụ liệu và sản phẩm dở dang sản xuất hàng FOB.

Nợ phải trả ở mức 3.730 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là tăng nợ phải trả người bán. Tổng nợ của công ty gần gấp đôi vốn chủ sở hữu 1.960 tỷ đồng, hệ số D/E (nợ trên vốn chủ sở hữu) là 1,9. Thông thường, hệ số này ở mức lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong việc trả nợ.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc, VGG dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% (2,500 đồng/cp), tương ứng hơn 110 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Năm 2023, mức chi trả cổ tức dự kiến là 20%. Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 8,030 tỷ đồng và lãi trước thuế 200 tỷ đồng.

 

Ngọc Bảo

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục