Vì sao Hải Phát “đại hạ giá” bán căn hộ?
Ngày 7/7 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô, chủ đầu tư dự án HPC Landmark 105 Hà Đông đã tổ chức sự kiện mở bán Café sáng Chủ nhật. Theo đó, khi khách hàng mua căn hộ thuộc dự án HPC Landmark 105 sẽ được hưởng mức chiết khấu ưu đãi lên tới 10%.
Cụ thể, chính sách bán hàng mới được đưa ra, khách hàng sẽ được hưởng mức chiết khấu lên tới 10% khi mua nhà tại HPC Landmark 105, trong đó 8% giảm thẳng vào giá trị căn hộ và giảm tiếp 2% với các khách hàng thanh toán sớm.
Bên cạnh đó, khách hàng mua căn hộ tại HPC Landmark 105 chỉ cần thanh toán 30% giá trị căn hộ trong đợt thanh toán đầu tiên, tương đương với số tiền từ 500 triệu đồng, sẽ được nhận nhà ở ngay.
Ngoài ra, CĐT dự án còn thực hiện các chính sách như: Miễn 2 năm phí quản lý vận hành chung cư, tặng điều hòa trị giá 10 triệu đồng, áp dụng tiến độ thanh toán linh hoạt với 8 đợt thanh toán, mỗi đợt cách nhau 45 ngày…
Theo chính sách bán hàng mới được CĐT đưa ra, khi khách hàng mua căn hộ thuộc dự án HPC Landmark 105 sẽ được hưởng mức chiết khấu ưu đãi lên tới 10%.
Thông tin Hải Phát Thủ Đô “đại hạ giá” bán căn hộ HPC Landmark 105 đã khiến giới địa ốc xôn xao vì đây được cho là mức giảm giá “sốc”, hiếm thấy từ trước đến nay. Điều này đã dấy lên nhiều băn khoăn trong giới đầu tư, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao giá bán căn hộ tại dự án này lại giảm “sâu” đến vậy?
Được biết Công ty Hải Phát Thủ Đô được thành lập 2015, là đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – Mã: HPX). Trong cơ cấu cổ đông, Hải Phát Invest sở hữu trực tiếp 14% cổ phần tại Hải Phát Thủ Đô, cộng với cổ phần do chủ tịch Đỗ Quý Hải và các cá nhân có liên quan nắm giữ, tỉ lệ sở hữu của Hải Phát Invest tại Hải Phát Thủ Đô là khoảng 60%.
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động kinh doanh của Hải Phát Invest không mấy “sáng sủa” khi doanh thu không ổn định, lợi nhuận giảm mạnh, nợ vay tăng cao và tồn kho hàng nghìn tỷ.
Cụ thể, hết quý I/2019, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu đạt 334,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đem về là hơn 18 tỉ đồng, giảm tới 125% so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng lưu ý, hàng tồn kho của HPX đang tăng rất mạnh, tính đến hết quý I con số này là 2.897 tỉ đồng, tăng gần 1.740 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần tại thời điểm cuối năm 2017 do chủ yếu tăng lên ở dự án Hải Phát Plaza và dự án Phú Lương.
Về quy mô tài sản, có thể thấy từ năm 2017 đến nay tổng tài sản của Hải Phát Invest tăng mạnh, đặc biệt là tăng vay nợ. Theo đó, cuối năm 2016, tổng nợ đi vay của Công ty chỉ là 1.173 tỷ đồng thì tới ngày 31/3/2019 con số này đã lên tới 2.331 tỷ đồng, trong đó có 1.700 tỷ đồng là vay từ phát hành trái phiếu cho các ngân hàng.
Mặc dù tình hình kinh doanh không khả quan và tài chính khó khăn, nợ vay tăng mạnh, Hải Phát Invest vẫn thể hiện tham vọng rất lớn khi mở rộng hoạt động đầu tư, mở rộng quỹ đất trải dài từ Bắc vào Nam.
Hải Phát Invest thể hiện tham vọng rất lớn khi mở rộng hoạt động đầu tư, mở rộng quỹ đất trải dài từ Bắc vào Nam.
Theo kế hoạch giai đoạn 2019 – 2023 của Hải Phát Invest thì giai đoạn này quỹ đất của Công ty sẽ được mở rộng lên hơn 19.400 ha trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt hai tỉnh Thái Bình và Nam Định chiếm tới gần 58% tổng quỹ đất…
Có lẽ chính vì tình hình thực tế trên nên Hải Phát đã thực hiện cuộc “đại hạ giá” tại dự án HPC Landmark 105 để nhanh chóng giải quyết hàng tồn và thu hồi vốn.
Thiếu vốn và "chiêu trò" đẩy “hàng ế”?
Mặt khác, theo dõi diễn biến thị trường thời gian qua có thể thấy, mức chiết khấu 10% là mức cao hiếm thấy đối với sản phẩm căn hộ chung cư được bán ra thị trường tính đến nay.
Trên thực tế, đang có một "làn sóng" chạy đua nâng mức chiết khấu để bán căn hộ giữa các chủ đầu tư tại các thành phố lớn. Vì thế, ngày càng nhiều dự án được giới thiệu có mức chiết khấu cao ngất ngưởng dành cho khách hàng mua căn hộ.
Điều này cũng là một vấn đề được đặt ra và cần lời giải đáp đối với thị trường địa ốc hiện nay. Việc doanh nghiệp đua chiết khấu khiến không ít người cho rằng đay thực chất chỉ là chiêu trò thu hút khách hàng khi thị trường căn hộ đang thực sự bước vào thời kỳ khó khăn mới?
Khi thị trường khó khăn thì các chủ đầu tư phải vận động nhiều hơn để nghĩ ra các cách bán hàng, và hạ giá bán là một trong những “chiêu” được nhiều chủ đầu tư áp dụng. Mục đích của những “chiêu” này không gì khác ngoài để nỗ lực thu hút tối đa sự quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm của mình.
Nhiều chuyên gia phân tích, có hai trường hợp dẫn đến chiết khấu cao. Một là, chủ dự án trả hoa hồng cho môi giới cao, sau đó các công ty môi giới bán nhà tự quyết định trích lại một phần cho người mua nhà để hút khách. Hai là, chủ dự án áp giá thu về cố định, sau đó để các công ty môi giới tự đẩy giá bán lên cao rồi giảm một phần để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng…
Và dù vì lý do gì thì từ thực tế có thể thấy, việc bán hàng khó khăn, thậm chí “ế ẩm”, các CĐT và đơn vị phân luôn phải nghĩ cách để thu hút khách hàng. Trong đó chiết khấu cao, quà tặng hấp dẫn là những “chiêu trò” đánh trực tiếp vào tâm lý khách hàng.
Tòa nhà HPC Landmark 105 đã được xây dựng hoàn thiện.
Hơn nữa, đối với dự án HPC Landmark 105, việc giảm giá bán căn hộ tại dự án này theo một số chuyên gia đánh giá là tất yếu. Bởi dự án nằm trong khu vực mức giá chung cư đang giảm mạnh, vì nhiều lí do tác động như vị trí, hạ tầng, và sự xuất hiện, cạnh tranh của các dự án cùng phân khúc, trong đó có thể kể đến hàng loạt dự án mới với nguồn cung lớn như The Terra An Hưng của Văn Phú Invest (1328 căn hộ); AnLand Nam Cường (575 căn), Roman Plaza (804 căn)...là cơ hội thuận lợi cho người mua nhà lựa chọn.
Ngoài ra, từ khi tái khởi động, trở lại thị trường đến nay, Hải Phát đã tiến hành chào bán các căn hộ còn lại tại HPC Landmark 105 trong một thời gian dài, thế nhưng đến nay dự án vẫn tồn hàng, khiến doanh nghiệp này phải sử dụng đến chiêu “đại hạ giá” để thu hút khách mua…
Quá khứ tai tiếng và “lùm xùm” sau chuyển nhượng khiến dự án “mất điểm”?
Dự án dự án HPC Landmark 105 nằm trên đường Tố Hữu, La Khê, Hà Đông, Hà Nội. Đây là tòa nhà CT2 – 105 thuộc dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng Usilk City từng bị “đắp chiếu” nhiều năm trước đó đã được Công ty Hải Phát Thủ Đô nhận chuyển nhượng từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long vào cuối năm 2015.
Đến đầu năm 2017, UBND TP Hà Nội chính thức ký văn bản cho phép Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng tòa nhà này cho Công ty Hải Phát Thủ đô. Sau khi nhận chuyển nhượng, Hải Phát Thủ đô đổi tên dự án thành HPC Landmark 105, đồng thời đẩy nhanh triển khai để hoàn thành dự án bị đắp chiếu nhiều năm qua.
Quá khứ tai tiếng và “lùm xùm” sau chuyển nhượng khiến dự án “mất điểm” trong mắt khách hàng.
Tuy nhiên, lúc này có một vấn đề đặt ra là việc đảm bảo quyền lợi khách hàng đã mua nhà trước khi dự án chuyển nhượng, nghĩa vụ và trách nhiệm của Hải Phát Thủ đô với những khách hàng đã ký kết hợp đồng mua nhà tại dự án này?
Mặc dù thương vụ chuyển nhượng được giới thiệu là làm “hồi sinh” dự án, thế nhưng đối với những người đã mua nhà tại dự án này với chủ đầu tư cũ, nay chuyển sang chủ đầu tư mới thì đây lại là một “cuộc chiến” mới.
Cụ thể, vào giữa năm 2018, tập thể của cư dân tòa nhà HPC Landmark đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và báo chí, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo quyền lợi người mua nhà.
Theo phản ánh, tại dự án HPC Landmark 105, sau khi tiếp quản lại dự án trên, chủ đầu tư Hải Phát Thủ Đô đã không tuân thủ chỉ đạo của thành phố Hà Nội, đồng thời liên tục đưa ra những yêu sách vô lý, tiếp tục "thất hứa" bàn giao nhà...
Người dân cho biết, sau nhiều lần TP Hà Nội có chỉ đạo thì Hải Phát thủ đô mới gặp gỡ khách hàng, nhưng phía chủ đầu tư chỉ ghi nhận ý kiến, không trả lời các câu hỏi của cư dân, sau đó lại bặt vô âm tín… khiến người dân vô cùng bức xúc.
Chính quá khứ tai tiếng, từ việc dự án bị đắp chiếu nhiều năm trước khi được chuyển nhượng cho Hải Phát Thủ Đô, đến những “lùm xùm” giữa chủ đầu tư mới và khách hàng cũ sau chuyển nhượng đã khiến dự án này “mất điểm” trong mắt khách hàng và phần nào khiến các căn hộ chung cư tại đây giảm sức hút…
Hải Lan