Tồn kho bất động sản của Nam Long, Phát Đạt tăng mạnh

Nhiều đại gia có lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong quý III/2020, trong đó phải kể đến như Nam Long, An Gia, Phát Đạt, Long Giang Land...

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (MCK: PDR) cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt 2.498 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của PDR cũng tăng đột biến.

Tính đến ngày 30/9/2020 PDR tồn kho 9.781 tỉ đồng. Trong đó, gần một nửa giá trị hàng tồn kho tập trung ở hai dự án gồm The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3 chiếm 4.480 tỉ đồng.

Hai dự án The EverRich 2 và The EverRich 3 đều đã được PDR bung hàng ra thị trường được khoảng thời gian dài nhưng khả năng hấp thụ không nhiều. Từ đó dẫn tới việc hàng tồn kho tại 2 dự án này tăng cao trong thời gian qua.

Công ty CP Đầu tư Nam Long (MCK: NLG) cũng đang có lượng hàng tồn kho trong quý III/2020 đạt 5.398 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với khoảng thời gian đầu năm.

Nhiều doanh nghiệp BĐS có hàng ồn kho tăng mạnh trong quý III/2020.  
Nhiều doanh nghiệp BĐS có hàng ồn kho tăng mạnh trong quý III/2020.  
 

Ghi nhận lãi ròng của NLG trong quý III/2020 cũng đạt mức khiêm tốn khi chỉ đạt 29 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng tồn kho của NLG nằm chủ yếu tại các dự án dở dang như Paragon Đại Phước (1.705 tỷ đồng), dự án Akari (1.685 tỷ đồng), dự án Vàm Cỏ Đông (1.090 tỷ đồng).

Không kém về giá trị hàng tồn kho là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (MCK: AGG) khi tính tới ngày 30/9/2020, doanh nghiệp này có số lượng hàng tồn kho lên tới 5.189 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số hồi đầu năm (2.611 tỷ đồng)

Còn tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (Long Giang Land, MCK: LGL) lỗ ròng hơn 11 tỉ đồng trong quí III/2020 Lũy kế 9 tháng đầu năm, LGL ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 127 tỉ đồng, giảm 87% so với cùng kì và lỗ ròng hơn 69 tỉ đồng, trong khi cùng kì lãi ròng 57 tỉ đồng.

Giá trị hàng tồn kho của Long Giang Land cơ bản đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn ở ngưỡng khá cao. Cụ thể: Tính đến thời điểm ngày 30/9/2020 LGL ghi nhận 377 tỷ đồng hàng tồn khi trong khi hồi đầu năm lên tới 410 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho tính đến Quý III của Long Giang chủ yếu từ Dự án Thành Thái (276 tỷ đồng) và dự án 69 Vũ Trọng Phụng (50 tỷ đồng).

Được biết, việc hàng tồn kho tăng vọt bất thường này đến từ việc AGG nhận hợp nhất công ty Hoàng Ân.

Cuối tháng 6/2020, AGG đã mua thêm 5% cổ phần Hoàng Ân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 45,01% lên 50,01%, do đó các tài sản của Hoàng Ân được hợp nhất vào AGG, trong đó giá trị hàng tồn kho được hợp nhất là khối động sản đang dở dang là dự án The Sóng.

Trong cơ cấu hàng tồn kho của AGG, dự án The Sóng chiếm 2.142 tỷ đồng, tiếp đến là các dự án River Panorama 1 và 2...

Các chuyên gia cho biết, cơ cấu hàng tồn kho bất động sản bao gồm: Hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông; hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được vì vướng mắc về pháp lý.

Trong đó, hàng tồn kho theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường.

Nhưng hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng là rất đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho là những bất động sản dở dang từ những dự án vướng pháp lý chưa thể triển khai cũng gây sức ép lớn cho doanh nghiệp.

Nguyên Hưng

Báo Đất Việt
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục