Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 15/7: ChatGPT bị điều tra

ChatGPT bị điều tra; Microsoft cảnh báo tin tặc nhắm vào Chính phủ Mỹ, châu Âu.... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 15/7/2023.


ChatGPT bị điều tra

Theo WSJ, FTC đã gửi thư cho OpenAI về việc đang điều tra xem ChatGPT gây tác động xấu thế nào đến các cá nhân khi đưa ra các thông tin sai lệch về họ. Bên cạnh đó, thư cũng đặt câu hỏi chi tiết về các hoạt động bảo mật dữ liệu mà OpenAI đang thực hiện.

Trước đó, thư đã được một nguồn tin tiết lộ với Washington Post. Trong đó, FTC trích dẫn một sự cố diễn ra năm 2020 khi OpenAI vô tình để lộ một lỗi cho phép người dùng xem thông tin về những người khác, chủ yếu là các cuộc trò chuyện trao đổi và một số thông tin liên quan đến thanh toán.

Thư của FTC là yêu cầu điều tra dân sự, nhưng cơ quan này cũng đặt một loạt câu hỏi cho OpenAI. Ngoài nội dung kể trên, các chủ đề được đề cập gồm nỗ lực tiếp thị của công ty, phương pháp đào tạo mô hình AI và việc xử lý thông tin cá nhân của người dùng.

OpenAI chưa đưa ra bình luận.

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 15/7: ChatGPT bị điều tra
Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 15/7: ChatGPT bị điều tra

Microsoft cảnh báo tin tặc nhắm vào Chính phủ Mỹ, châu Âu

Theo Neowin, vụ tấn công chỉ được Microsoft phát hiện sau một tháng hoạt động với mục tiêu tấn công vào các tài khoản email được sử dụng bởi khoảng 25 tổ chức, bao gồm các cơ quan chính phủ và tổ chức tư vấn. Tin tặc có thể đánh cắp các thông tin nhạy cảm như email, tài liệu và mật khẩu.

Công ty tuyên bố họ đã thông báo cho các tổ chức bị ảnh hưởng và thực hiện các bước để giảm thiểu thiệt hại. Hãng cũng nhấn mạnh việc hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để điều tra vụ hack.

Trong bài đăng trên blog của mình, Microsoft giải thích, hacker đã sử dụng khóa MSA có được để giả mạo mã thông báo nhằm truy cập OWA và Outlook.com. Khóa MSA (người tiêu dùng) và khóa Azure AD (doanh nghiệp) được cấp và quản lý từ các hệ thống riêng biệt chỉ có hiệu lực đối với các hệ thống tương ứng của chúng.

Trước đó, trong một tuyên bố, Microsoft cho biết, từ tháng 5 vừa qua, nhóm tin tặc có tên Storm đã giả mạo mã thông báo xác thực kỹ thuật số để truy cập các tài khoản email trực tuyến chạy trên dịch vụ Outlook của công ty. Microsoft không xác nhận tổ chức, hoặc chính phủ nào đã bị ảnh hưởng, nhưng cho biết nhóm tin tặc chủ yếu nhằm vào các thực thể ở Tây Âu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn ngay lập tức có phản ứng, đồng thời chỉ trích cáo buộc là thông tin sai lệch.

Siêu AI của Google có thể nói tiếng Việt

Ngày 13/7, Google cho biết bổ sung 40 ngôn ngữ hỗ trợ trên Bard, trong đó có tiếng Việt và các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Hindi, tiếng Trung, Ả Rập, Đức và Tây Ban Nha.

"Tôi đã được đào tạo với một tập dữ liệu khổng lồ gồm văn bản và mã. Tôi có thể dịch tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại, cũng như tạo văn bản tiếng Việt sáng tạo, như thơ, mã, kịch bản, bản nhạc, email, thư", Bard tự mô tả sau bản cập nhật mới.

Google cũng cho biết đây là "bản mở rộng lớn nhất từ trước đến nay" của siêu AI này. Hiện công cụ hỗ trợ 46 ngôn ngữ, có thể được truy cập từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hãng cũng hợp tác với các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý quyền riêng tư cho việc mở rộng phạm vi.

Ngoài phản hồi bằng văn bản, Bard được Google tích hợp khả năng chuyển văn bản thành tiếng nói và đọc ngay trên công cụ. Người dùng có thể chọn giọng điệu phản hồi, với năm kiểu là đơn giản, dài, ngắn, chuyên nghiệp và thông thường. Ngoài ra, AI của Google bổ sung khả năng tải ảnh và yêu cầu AI mô tả. Tuy nhiên tính năng này mới hỗ trợ tiếng Anh.

Những thay đổi này cũng là điểm khác biệt của Bard so với các AI tạo sinh khác như ChatGPT hoặc Bing AI.

 

Hoàng Yên (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục