7 tháng đầu năm 2019, Agribank khoe lãi tới 8.200 tỷ
Ngân hàng Agribank vừa có thông tin về hoạt động 7 tháng đầu năm 2019. Theo đó, tính đến ngày 31/7/2019, tổng thu nhập của Agibank đạt 70.759 tỷ đồng, tăng 11.627 tỷ đồng tương đương hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng chi phí trước thuế đạt 62.559 tỷ đồng, tăng 8.503 tỷ đồng tương đương hơn 16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chi phí hoạt động tín dụng tăng 19,6%. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng (sau khi tạm phân bổ các khoản phải trích), tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.
Trong những tháng đầu năm 2019, Agribank tập trung hoạt động tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng "Tam nông" tại Việt Nam. Dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay của ngân hàng này.
Theo BCTC hợp nhất quý 1, Agirbank lãi hơn 3.100 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nợ xấu cũng tăng nhanh khi cuối tháng 3/2019, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 19.824 tỷ đồng, tăng 3.384 tỷ, tương đương tăng hơn 20% so với hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ mức 1,63% hồi đầu năm đã nhích lên 1,93%. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 là 1,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 2%. Tiền gửi khách hàng 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm. Tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước giảm từ 31.406 tỷ đồng xuống 5.164 tỷ đồng.
Ngân hàng này cho biết, quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được, nhất là khi Agribank là ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất. Riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất, do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.
Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Một trong những vấn đề nan giải nhất đó là "bài toán" tăng vốn. Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại.
Vietinbank "bí cửa" tăng vốn?
So với nhóm ba nhà băng quốc doanh, VietinBank là ngân hàng duy nhất chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn.
Trong khi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đầu năm 2019 phát hành lô cổ phần đầu tiên trong kế hoạch tăng vốn thêm 10% đã được phê duyệt. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã CK: BID) vừa thông qua phương án phát hành 15% cổ phần cho đối tác chiến lược KEB Hane Bank, với giá trị gần 20.300 tỷ đồng. Thương vụ cũng đánh dấu việc BIDV tìm được "đầu ra" cho câu chuyện tăng vốn điều lệ sau gần 5 năm.
Cả BIDV và Vietcombank trong đợt tăng vốn đầu năm nay đều phụ thuộc vào vốn ngoại.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể thiếu hụt vốn gần 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh có thể cần tăng vốn nhiều hơn, bởi cơ sở vốn duy trì mức thấp nhiều năm.
So với các ngân hàng trên, dư địa tăng vốn của VietinBank có phần "khiêm tốn" hơn. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65%, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đôg nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép.
Việc tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với VietinBank là điều không thể thực hiện, theo những quy định hiện nay.
Không tăng được vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã xuống gần ngưỡng cảnh báo, thậm chí nếu tính theo Basel II thì đã xấp xỉ ngưỡng thấp nhất. Hệ quả là ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động. Trong nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ đạt 2,4%, so với BIDV tăng 7,7%, còn Vietcombank tăng 10%.
Từ đầu năm 2019, ngân hàng này đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp hai. Gần nhất, Vietinbank phát hành trái phiếu với quy mô 500 tỷ đồng, nâng tổng lượng trái phiếu phát hành từ đầu năm đến nay lên 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư địa tăng vốn cấp hai bị khống chế bởi quy mô vốn cấp một.
Nếu muốn tăng vốn, VietinBank còn hai phương án, đó là phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc chờ cơ quan quản lý điều chỉnh về trần sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, ở phương án thứ hai, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, thay đổi trong trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) cần phải được luật thông qua, do đó sẽ tốn nhiều thời gian.
Vì vậy, tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu là phương án khả quan nhất. Tuy nhiên, khi câu chuyện giữ lại lợi nhuận trả cổ tức nhiều năm nay còn vướng ở ngân sách, thì việc cổ đông Nhà nước có thể tham gia đợt phát hành được hay không lại là vấn đề khác. Nhưng phương án vẫn có thể thực hiện nếu có đơn vị thay thế cổ đông Nhà nước.
Được biết, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thể hỗ trợ VietinBank tăng vốn, nếu được lựa chọn tham gia với tư cách cổ đông Nhà nước.
Ngân hàng chuẩn bị huy động tiền gửi lớn?
Nguồn: SSI.
Tuần qua, NHNN thu hẹp quy mô phát hành tín phiếu qua đó bơm ròng 11.000 tỷ đồng qua kênh này, lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống còn 39.000 tỷ đồng. Kênh thị trường mở (OMO) không phát sinh giao dịch, lượng OMO lưu hành duy trì ở mức 0. Lãi suất trên liên ngân hàng tăng nhẹ 8-9 điểm cơ bản (bps) lên 3,08%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,2%/năm với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức 0,7%/năm.
Lãi suất huy động thị trường 1 ổn định ở mức 4,1%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5-7,55%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Cá biệt, một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ áp dụng mức lãi suất 8-8,2%/năm với kỳ hạn từ 9 đến 13 tháng, có điều chỉnh tăng so với giai đoạn trước từ 10-20 điểm phần trăm.
Theo Báo cáo tài chính bán niên của 18 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết, đến hết tháng 6/2019, cho vay khách hàng tăng 8,2% tính từ đầu năm đến nay trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,4%.
Nếu tính tổng nguồn vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá), mức tăng trưởng 6 tháng năm 2019 là 8,4% tính từ đầu năm đến nay. Tổng lượng giấy tờ có giá đã phát hành của 18 NHTM niêm yết tại 30/6/2019 là 340,5 nghìn tỷ đồng, tăng 71 nghìn tỷ đồng – tương đương 21% so với tại cuối 2018.
Tuy nhiên, tổng lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng mà những ngân hàng này nắm giữ cũng tăng thêm 56,5 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, theo SSI không loại trừ giả thiết các NHTM đang mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tỷ trong huy động vốn trung và dài hạn. Vì thế, nhu cầu huy động tiền gửi từ khách hàng vẫn ở mức cao.
Tổng lượng giấy tờ có giá đã phát hành của 18 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết tại ngày 30/6/2019 là 340,5 nghìn tỷ đồng, tăng 71 nghìn tỷ đồng so với cuối 2018. Không loại trừ khả năng các NHTM đang mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn.
Hà Phương (t/h)