Ngân hàng nhà nước chặn cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng.
Trong đó, việc Ngân hàng Nhà nước bổ sung một số nhu cầu vốn không được phép cho vay trong Điều 8 của Thông tư 39 đang được dư luận quan tâm.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết dự án này lại chưa đủ điều kiện để thực hiện, như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Thêm 4 ngân hàng được nới \'room\' tín dụng lên tới 85.000 tỷ đồng
Tin ngân hàng nổi bật tiếp theo là sự kiện Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho 4 ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Chính phủ.
Trong đợt điều chỉnh room lần này, mức điều chỉnh cao nhất thuộc về VPBank với hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MB trên 20.000 tỷ đồng và HDBank xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Vietcombank tiếp tục được điều chỉnh room tín dụng trong lần này nhưng hạn mức chưa đến 9.000 tỷ đồng. Được biết, các ngân hàng trên đã nhận được văn bản chính thức điều chỉnh room tín dụng từ cơ quan quản lý.
Trên dòng chảy thông tin, thị trường đang cho rằng VPBank sẽ nhận nhiệm vụ hỗ trợ GPBank; MB được giao hỗ trợ Ocean Bank; HDBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ Dong A Bank và Vietcombank được giao CBBank sau gần 8 năm hỗ trợ quản lý điều hành ngân hàng này.
"Đợt điều chỉnh room lần này, mức điều chỉnh cao nhất thuộc về VPBank với hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MB trên 20.000 tỷ đồng và HDBank xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Vietcombank tiếp tục được điều chỉnh room tín dụng trong lần này nhưng hạn mức chưa đến 9.000 tỷ đồng."
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.
Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 8,44%/năm, có kỳ hạn lên tới 9,7%
Theo số liệu được NHNN cập nhật, phiên giao dịch 5/10 lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) tăng lên 8,44%/năm - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. So với phiên 04/10 (7,88%), mức lãi suất qua đêm này đã tăng 0,56 điểm phần trăm. Phiên 03/10, mức lãi suất này chỉ đạt 5,26%.
Bên cạnh lãi suất qua đêm, các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng ghi nhận mức tăng tương tự sau một tuần, hiện đạt lần lượt 9,48%/năm (+3,96 điểm phần trăm); 8,47%/năm (+3,16 điểm phần trăm) và 7,69%/năm (+1,76 điểm phần trăm).
Lãi suất cho vay liên ngân hàng có hiện tượng tăng đột biến trong khoảng 1 tuần trở lại đây. Có thể hiểu rằng các ngân hàng sẵn sàng vay mượn lẫn nhau với mức chi phí cao hay nói cách khác thanh khoản trong ngắn hạn đang thiếu hụt.
Và khi chi phí vay tăng lên, nhu cầu vay mượn của các ngân hàng cũng hạn chế khi giảm doanh số từ 238,729 tỷ đồng (phiên 03/10) xuống còn 156,844 tỷ đồng (phiên 04/10). Sau đó tăng trở lại trong phiên 05/10 với 234,196 tỷ đồng.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng khi một mặt tăng lãi suất trên thị trường 1, một mặt tăng vay mượn lẫn nhau trên thị trường 2 với lãi suất cao hơn để bù đắp thiếu hụt thanh khoản.
Theo các chuyên gia phân tích, diễn biến kể trên có nguyên nhân từ việc NHNN đã bán ra lượng lớn USD để ổn định thị trường ngoại tệ, qua đó rút về lượng tiền VNĐ tương ứng.
Tin ngân hàng LienVietPostBank chuẩn bị phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu
Tuần qua, một trong những tin ngân hàng gây chú ý liên quan đến việc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, Mã LBP) chuẩn bị chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, là nợ thứ cấp và thoải mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của tổ chức phát hành. Kỳ hạn của 4.000 tỷ đồng trái phiếu này là 7 năm và 10 năm.
Ngân hàng dự kiến phát hành trái phiếu thành ba đợt. Đợt 1, ngân hàng phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 250 tỷ đồng trái phiếu 10 năm. Đợt 2, ngân hàng phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 200 tỷ đồng trái phiếu 10 năm. Đợt 3, ngân hàng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 50 tỷ đồng trái phiếu 10 năm.
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,3%/năm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,6%/năm.
Lãi suất tham chiếu dùng để xác định lãi suất cho kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được công bố trên trang thông tin điện tử của 4 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank.
Số trái phiếu này được phân phối theo hình thức bán trực tiếp cho các nhà đầu tư tại các chi nhánh/phòng giao dịch của LienVietPostBank và thông qua đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội.
Số tiền thu được từ ba đợt phát hành trái phiếu trên dự kiến được sử dụng để bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung dài hạn trong năm 2022 đến quý I/2023.
Lợi nhuận trước thuế 8 tháng của ngân hàng mẹ MB đạt 14.500 tỷ đồng
Tuần qua, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cập nhật kết quả 8 tháng năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).
Cụ thể, theo công bố thông tin từ ngân hàng MB trong buổi gặp mặt ngày 29/9, tổng thu nhập hoạt động ngân hàng mẹ đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 36% so với cùng kỳ. Thu thuần từ dịch vụ tăng chậm (6% so với cùng kỳ) với phí từ hoạt động tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp giảm và thu thuần từ bảo hiểm giảm.
Lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ 8 tháng đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 45% so với con số gần 10.000 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Tổng lợi nhuận 8 tháng của các công ty con đạt gần 2.000 tỷ đồng, trong đó MCredit đạt gần 800 tỷ đồng.
Về tổng thể, VDSC lạc quan với triển vọng tăng trưởng tổng thu nhập của MBB nhờ hạn mức tăng trưởng tín dụng thuộc hàng cao trong ngành và khả năng mở rộng NIM.
Trong tuần qua, ngân hàng Vietinbank có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thế chấp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Hiệp Thành. Tài sản là 2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có diện tích mỗi lô hàng nghìn m2.
Tài sản 1 là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 372, tờ bản đồ số 37 có địa chỉ tại xã Bình Mỹ, Huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh do ông Phạm Văn Mười là chủ sở hữu.
Lô đất có diện tích 2.241,7 m2 là đất sử dụng riêng, trong đó đất ở tại nông thôn 2.162,3m2 sử dụng lâu dài và đất trồng cây lâu năm 79,4m2 sử dụng đến tháng 7/2045. Giá khởi điểm cho khối tài sản này là 25 tỷ đồng.
Tài sản 2 là quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 445, tờ bản đồ số 15 có địa chỉ tại Ấp 7, Xã Nhựt Chánh, Huyện Bến Lức, Tỉnh Long An, do ông Phạm Văn Mười là chủ sở hữu.
Lô đất có diện tích 1406,9m2, là đất ở nông thôn, sử dụng riêng, lâu dài. Giá khởi điểm cho khối tài sản này là hơn 5,52 tỷ đồng.
Đồng thời, Vietinbank chi nhánh 12 Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Xây dựng Lê Hùng. Tài sản thế chấp là 3 quyền sử dụng đất.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết