Tín dụng bị "cản trở" bởi nợ xấu

(kinhdoanhnet) - Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, tỷ lệ nợ xấu tăng cao như hiện nay đang là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp

Tính đến thời điểm hiện tại, con số nợ xấu tại các ngân hàng đã có dấu hiệu tăng lên. Theo số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại thì con số này chỉ trong khoảng từ 3,6% - 3,9%. Với con số này thì có thể thấy rằng tỷ lệ nợ xấu vẫn đang nằm trong  tầm kiểm soát. Tuy nhiên mới đây ngân hàng Nhà nước lại đưa tỷ lệ nợ xấu ở mức 7% tăng gấp đôi so với báo cáo của các ngân hàng. Điều này cho thấy tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động.

Tín dụng bị "cản trở" bởi nợ xấu - Ảnh 1
Nợ xấu hiện nay lại đang trở thành vấn đề nhức nhối.

Có thể thấy rằng nợ xấu hiện nay lại đang trở thành vấn đề nhức nhối khiến các ngân hàng phải đau đầu tìm cách xử lý.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, tỷ lệ nợ xấu tăng cao như hiện nay đang là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp, các biện pháp xử lý nợ xấu đang được thực hiện vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Kể từ năm 2013, Chính phủ đã quan tâm tới vấn đề này và cũng đã tiến hành thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết nợ xấu. Nổi bật nhất cần phải kể tới đó là việc quyết định thành lập nên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đây được coi như một giải pháp khá tích cực trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên do chỉ mới đi vào hoạt động nên tổ chức này vẫn hoạt động chưa thực sự hiệu quả, VAMC không có đủ nguồn vốn để giải quyết toàn bộ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Khi nợ xấu gia tăng thì một giải pháp tối ưu mà hầu hết các ngân hàng hiện nay áp dụng đó là bán nợ cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt (tỷ lệ chiết khấu tối đa 80% giá trị trái phiếu). Nhưng trong tình trạng hiện nay, nợ xấu của cả hệ thống đều tăng lên thì điều dĩ nhiên các ngân hàng sẽ phải “xếp hàng” để bán nợ.

Tín dụng bị "cản trở" bởi nợ xấu - Ảnh 2
VPBank bán nợ xấu cho VAMC.

Trong năm 2013, VPBank cũng nằm trong diện này. Dù không tiết lộ số nợ xấu đã bán đi, song các báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối năm 2013, VPBank đã nắm giữ gần 636,7 tỷ đồng trái phiếu do VAMC phát hành. Theo số lượng trái phiếu mà VPBank nắm giữ và giả sử tỷ lệ chiết khấu bình quân trái phiếu là 70% thì số nợ xấu mà ngân hàng bán được là khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Trong quý I/2014, ngân hàng này tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC và thu về số trái phiếu có giá trị hơn 46,6 tỷ đồng. Tuy nhiện, hiện tại VPBank mới thực hiện trích dự phòng khoảng 10% tổng giá trị trái phiếu VAMC, thấp hơn mức quy định là 20%/năm.

Tại Sacombank, ngân hàng này đã bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC năm 2013. Năm nay, Sacombank tiếp tục tăng cường bán nợ xấu cho VAMC và kiểm soát chặt tín dụng, song nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Đặc biệt chất lượng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm phần lớn trong tổng số nợ.

Nợ xấu của Sacombank trong quý I/2014 đã trên 2.136 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 1.132 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng từ 1,45% cuối năm 2013 lên 1,86% cuối tháng 3/2014.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chuẩn bị bán khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu trên sổ sách cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý I của ngân hàng này là là 1,78%, tăng so với cuối năm 2013.

Không kém cạnh, tại ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tính đến tháng 6 năm 2014 cũng đã tiến hành bán khoảng 1.900 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Tính đến thời điểm hiện tại, VAMC đã mua hơn 6.000 tỷ đồng nợ gốc của các tổ chức tín dụng, nâng tổng số nợ xấu mà tổ chức này mua từ khi bắt đầu ra đời tới nay lên gần 48.000 tỷ đồng.

Hiện tại hoạt động của các ngân hàng vẫn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp nhà nước.

Do quá tập trung vào việc giải quyết nợ xấu, các ngân hàng Việt Nam vẫn thận trọng trong việc mở rộng tín dụng, cho dù có sự tăng trưởng mạnh về tiền gửi.

Trong những tháng đầu năm tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng rất thấp. Đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH mới đạt 3,52% so với cuối năm 2013. Trong đó tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao 12,03%, tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 2,17%.

Các ngân hàng hiện nay đầu tư trái phiếu, tín phiếu nhiều hơn cho vay do tâm lý ngại rủi ro, ngại cho tư nhân vay bởi cảm thấy sự rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Như vậy để có thể đạt được mục tiêu 12 - 14% tăng trưởng tín dụng năm nay là điều thực sự khó khăn. Nếu đạt mức trên thì lượng tiền đưa ra thị trường trong 6 tháng sẽ rất lớn, đó là chưa nói đến sức hấp thu vốn của nền kinh tế vẫn yếu.

Tuy nhiên theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là định hướng của NHNN đặt ra từ đầu năm để các ngân hàng phấn đấu, chứ không phải đạt được bằng mọi giá. Các ngân hàng cần nhớ rõ quy luật tăng trưởng về số lượng phải song hành với chất lượng. Có thể chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp hơn chỉ khoảng 9 - 10% nhưng tín dụng vào đúng chỗ và phải có hiệu quả.

Mới đây, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đưa ra con số tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 đạt "trên 10%" thay vì con số 12- 14% như trước đây ngân hàng Nhà nước đã công bố.

Hoàng Công (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục