Novaland bổ nhiệm CEO mới
Ngày 17/3/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) công bố Nghị quyết của HĐQT số 18/2023-NQ.HĐQT-NVLG về việc bổ nhiệm ông Dennis Ng Teck Yow giữ chức vụ Tổng Giám đốc.
Theo đó, ông Dennis Ng Teck Yow sẽ đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc của Tập đoàn Novaland thay cho ông Nguyễn Ngọc Huyên từ 17/3/2023.
Ông Dennis Ng Teck Yow có gần 30 năm kinh nghiệm và đã đảm nhận nhiều vị trí điều hành cấp cao khác nhau.
Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong việc dẫn dắt đội ngũ triển khai các Dự án thương mại, Dự án nhà ở, khu Đô thị tích hợp… chuẩn mực trong nước và quốc tế. Ông cũng đảm nhận các chức vụ cấp cao tại các Tập đoàn quốc tế trong nhiều lĩnh vực .
Trước khi được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc Novaland, Ông là Tổng Giám đốc của Gamuda Land Việt Nam.
Tập đoàn Trí Việt bầu ra Chủ tịch HĐQT mới
Ngày 16/3, CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (HNX: TVC) đã thống nhất giao bà Phạm Thị Thanh Huyền chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty. Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/03 với tỷ lệ biểu quyết nhất trí cao, cổ đông đã bỏ phiếu tán thành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là bà Phạm Thanh Huyền và bà Phạm Thị Thanh Hoa
Cũng tại đây, TVC đã miễn nhiệm 2 cá nhân khỏi HĐQT Công ty gồm ông Phạm Thanh Tùng và ông Bùi Minh Tuấn. Trong đó, ông Tùng đang bị khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân và CTCP Louis Holdings ngày 20/04/2022.
Tại thời điểm được bổ nhiệm vào HĐQT, bà Huyền và bà Hoa đang lần lượt nắm giữ 198,400 cổ phiếu và hơn 1 triệu cổ phiếu TVC, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,17% và 0,87%.
Phó Chủ tịch AAM xin từ nhiệm
Ông Nguyễn Hoàng Nhơn, Phó Chủ tịch HĐQT Thủy sản MeKong (HoSE: AAM), người được ủy quyền công bố thông tin của Công ty đã vừa đơn xin từ nhiệm.
Theo đó, HĐQT CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) đã nhất trí thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Hoàng Nhơn. Lãnh đạo AAM sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua đơn từ nhiệm của ông Nhơn tại ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính tổ chức ngày 20/03/2023.
Ông Nguyễn Hoàng Nhơn sinh năm 1951, là cử nhân kinh tế. Ông đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Giám đốc AAM từ năm 2002. Tính đến thời điểm 31/12/2022, cá nhân ông Nhơn sở hữu 395,577 cổ phiếu AAM, tương ứng với tỷ lệ 3,2%.
Ngày 15/03/2023, HĐQT CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) đã thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CEE)
Theo đó, tổng giá trị hợp đồng hợp tác giữa NBB và CEE là 750 tỷ đồng. Lợi nhuận khoán gọn (chi phí sử dụng vốn) mà CEE được hưởng sẽ được tính bằng: Số ngày CEE đã góp vốn x Số tiền thực tế CEE đã góp x Lãi suất cố định 14%/365 (1 năm). Khoản lợi nhuận này sẽ được thanh toán vào cuối kỳ cùng với vốn gốc đầu tư.
Hợp đồng hợp tác đầu tư có thời hạn trong vòng 12 tháng kể từ ngày góp vốn đợt đầu tiên.
Được biết, NBB và CEE có nhiều mối liên quan với nhau và cùng có mới quan hệ với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII). Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, CEE là công ty con do CII nắm 84,42% vốn. Mặt khác, NBB là công ty liên kết do CII nắm 37,52%.
Nhà Thủ Đức bị phạt hành chính gần 91 tỷ đồng do các vi phạm thuế
Ngày 16/3, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House – mã TDH) đã nhận được các quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty tại ngân hàng với số tiền bị cưỡng chế là gần 91 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lượng tiền mặt của Nhà Thủ Đức vào thời điểm cuối năm 2022 chỉ còn vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 9/2022, TDH cũng đã bị Cục thuế TPHCM cưỡng chế hơn 74 tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng. Trong văn bản công bố thông tin về lần cưỡng chế này, TDH cho biết dự kiến trong quý 3/2022 sẽ hoàn tất các nghĩa vụ thuế và tháo gỡ các biện pháp cưỡng chế của Cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, trên thị trường, cổ phiếu TDH đang “ngụp lặn” vùng đáy với giá chỉ ngang cốc trà đá. Vốn hóa thị trường chỉ hơn 370 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ hơn 1.100 tỷ. Cổ phiếu này cũng đang trong diện kiểm soát từ ngày 27/6/2022 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là số âm.
Dược Bảo Châu tiếp tục nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Dược Bảo Châu (OTC: DuocBaoChau) vào ngày 13/03/2023. Theo đó, Tập đoàn Dược Bảo Châu đăng ký niêm yết 21,5 triệu cổ phiếu BCH trên sàn HoSE.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Dược Bảo Châu nộp hồ sơ niêm yết mà trước đó, vào ngày 29/09/2022, HOSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Tập đoàn, với mã giao dịch và lượng cổ phiếu đăng ký như trên. Tuy nhiên, đến ngày 13/12/2022, HOSE thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký của Dược Bảo Châu do sau gần 3 tháng đăng ký, vẫn chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh theo yêu cầu.
Trước đó ngày 15/8/2019, HNX nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của Dược Bảo Châu. Tuy nhiên, đến ngày 17/10/2019, công ty này quyết định rút hồ sơ đăng ký niêm yết 18 triệu cổ phiếu vì muốn chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu sang thị trường UPCoM. Đến gần đây, Dược Bảo Châu vẫn chưa chính thức đăng ký giao dịch.
Như vậy, sau gần 4 năm, Dược Bảo Châu vẫn chưa thể niêm yết chứng khoán theo quy định.
Hải Phát Invest quyết định giải thể một công ty con
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã CK: HPX) vừa công bố quyết định giải thể một công ty con với lý do là do thay đổi định hướng đầu tư. Công ty bị giải thể là CTCP Đầu tư Greenland Bắc Giang.
Theo đó, việc giải thể sẽ được ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn của Greenland Bắc Giang tham gia họp ĐHĐCĐ và tiến hành biểu quyết thông qua theo quy định.
Trước đó vào ngày 4/3/2023, HPX không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 do chỉ có 63 cổ đông, đại diện cho hơn 82 triệu cổ phiếu, tương đương 27,03% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. HPX cho biết, dự kiến ngày 31/3 tới đây, Hải Phát sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023.
Hội đồng quản trị dự định trình cổ đông thông qua chủ trương thay đổi đơn vị kiểm toán thực hiện báo cáo tài chính soát xét năm 2022, cùng với các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (nếu có).
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng góp vốn công ty cho thuê xe điện
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa có thông báo về việc dự kiến chuyển quyền sở hữu 50,8 triệu cổ phiếu VIC của cá nhân để góp vốn vào CTCP Di chuyển xanh và Thông minh (GSM).
Số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch hơn 50 triệu cổ phiếu, chiếm 1,31% vốn điều lệ Tập đoàn Vingroup.
Phần vốn góp được định giá 2.850 tỷ đồng, xác định bằng giá bình quân 50 phiên của cổ phiếu VIC tính đến ngày 27/3. Giá trị cổ phiếu góp vốn tương đương với 95% vốn điều lệ (3.000 tỷ đồng) của GSM.
Giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/3 đến 19/4.
Sau khi giao dịch hoàn tất, ông Vượng sẽ còn nắm giữ 691,27 triệu cổ phiếu, tương đương (tương đương 1,31% vốn điều lệ Vingroup) và Công ty GSM sở hữu 1,31% vốn điều lệ Vingroup.
Cuối năm 2022, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã dùng 243 triệu cổ phiếu, định giá ở mức 16.200 tỷ đồng để góp vốn thành lập Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết