Tin bất động sản ngày 31/1: Có 59 trường hợp xây dựng không phép tại dự án KĐT mới River Silk City

Tin bất động sản ngày 31 1 đáng chú ý với việc cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới River Silk City, do Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư và dự án The Lines Hưng Yên được ra mắt thị trường vào tháng 02 2022 với các sản phẩm tại dự án được mở bán với mức giá từ 2,5 tỷ đồng căn hộ, khoảng 44 triệu m2...

Dự án KĐT mới River Silk City: Có 59 trường hợp xây dựng không phép

Thanh tra Chính phủ mới đây đã ban hành Kết luận Thanh tra số 2211/KL-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam (giai đoạn 2012 – 2018).

Sau đó, Kết luận Thanh tra đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo thực hiện tại văn bản số 249/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ.

Theo Kết luận thanh tra, dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới River Silk City - do Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (Tập đoàn CEO) làm chủ đầu tư có 59 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có 5 trường hợp xây nhà ghép trên nhiều lô đất, không đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.

Chủ đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết 1/500, tại phân kỳ I xây 1 tòa nhà, sân tennis, bể bơi, sân bóng rổ trên diện tích quy hoạch đất cây xanh 2.722 m2.

Tại phân kỳ II, III, xây 2 sân tennis, bể bơi, sân bóng rổ, nhà tiện ích trên diện tích đất công trình công cộng với 8.774 m2, vi phạm Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Luật Đất đai 2013.

Tại phân kỳ II, II, có 9.102,4 m2 đất mặc dù đã được UBND tỉnh giao đất tại Quyết định số 2714/QĐ-UBND ngày 10/12/2019, tuy nhiên đến thời điểm thanh tra chưa xác định được tiền sử dụng đất, vi phạm khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai.

Sau khi kết thúc thanh tra, ngày 10/8/2021, UBND tỉnh mới phê duyệt tiền sử dụng đất với tổng số tiền hơn 104,55 tỷ đồng.

"Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh, Hội đồng thẩm định giá đất, các sở ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và chủ đầu tư dự án", Kết luận thanh tra nêu rõ.

Về việc xác định giá đất, UBND tỉnh Hà Nam xác định tiền sử dụng đất đối với một số dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu nhà ở theo phương pháp thặng dư, trong đó chỉ quy đổi tổng doanh thu phát triển về giá trị hiện tại thời điểm định giá đất mà không thực hiện quy đổi tổng chi phí phát triển.

Mặt khác khi quy đổi tổng doanh thu phát triển đã áp dụng tỉ suất chiết khấu không đúng với mức lãi suất cho vay trung hạn bình quân tại thời điểm định giá đất của các ngân hàng thương mại Nhà nước. Bên cạnh đó, đưa thuế Giá trị gia tăng (VAT) và tính thêm lãi vay ngân hàng (đã được tính gộp vào lợi nhuận của nhà đầu tư) vào tổng chi phí phát triển khi xác định tiền sử dụng đấy, không đúng quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Thuế giá trị gia tăng, làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Sau khi loại bỏ khoản VAT không đúng quy định, thì số tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung tại dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới River Silk City (phân kỳ I) là hơn 8,2 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị mới River Silk City. Ảnh: Báo Xây dựng
Dự án Khu đô thị mới River Silk City. Ảnh: Báo Xây dựng
 

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị rà soát, thu hồi về ngân sách Nhà nước đối với số tiền hơn 8,2 tỷ đồng do đưa thuế VAT vào tổng chi phí phát triển khi xác định tiền sử dụng đất không đúng quy định tai phân kỳ I, dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới River Silk City.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam rà soát, xử lý theo quy định đối với các dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; các dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu nhà ở và các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) không đúng quy định; các dự án đầu tư xây dựng nhưng chưa được giao đất, cho thuế đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các dự án có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và các vi phạm khác về quản lý, sử dụng đất.

Ngày 16/1/2023, tại Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn C.E.O (Tập đoàn CEO) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có những thành tích xuất sắc trong triển khai các dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng và yêu cầu chủ đầu tư một số dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai...

Về xử lý trách nhiệm, Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc UBDN tỉnh qua các thời kỳ; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời ký có liên quan đến những tồn tại, vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã nêu tại kết luận thanh tra.

Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với những tập thể, đơn vị, cá nhân có những vi phạm, khuyết điểm đã nêu.

Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thành lập ngày 26/10/2001, trên trang web của đơn vị, với lời giới thiệu Tập đoàn CEO hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, với khát vọng “Vì Việt Nam hùng cường”. Tập đoàn phát triển hệ sinh thái vững mạnh dựa trên các trụ cột kinh doanh cốt lõi: Bất động sản, Xây dựng, Dịch vụ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/1, mã CEO neo ở mốc 22,1 nghìn đồng/CP, giảm 2,64% so với mốc tham chiếu.

Mới chỉ có Tập đoàn T&T bày tỏ quan tâm đến cao tốc trên cao Vành đai 4

Báo cáo về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã cho biết kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.

Sở dĩ UBND TP Hà Nội phải tiến hành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư là bởi đây là điều bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Cụ thể, Điều 25, Nghị định số 35 yêu cầu công tác khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay phải được thực hiện trong thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP và là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Sau khi đăng tải thông tin khảo sát sự quan tâm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia vào ngày 28/10/2022. Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ quan tâm vào 9h ngày 11/12/2022, kết quả khảo sát sự quan tâm chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm là Công ty CP Tập đoàn T&T.

Theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ – CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc Vành đai 4 là đấu thầu rộng rãi trong nước không thực hiện sơ tuyển.

Trong số các nội dung khảo sát, đáng chú ý là UBND TP Hà Nội đề nghị các nhà đầu tư, bên cho vay có ý kiến về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; đánh giá của nhà đầu tư, bên cho vay về tính hấp dẫn, khả thi của dự án, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư.

Phối cảnh một đoạn dự án Vành đai 4- vùng thủ đô đoạn qua Hà Nội.
Phối cảnh một đoạn dự án Vành đai 4- vùng thủ đô đoạn qua Hà Nội.
 

Ngoài ra, các nhà đầu tư, bên cho vay cũng sẽ có ý kiến đánh giá về tiến độ triển khai thực hiện dự án; những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; nguồn cung cấp vật liệu để triển khai công trình…

Nhà đầu tư quan tâm cung cấp các thông tin bao gồm: Hồ sơ về tư cách pháp lý; năng lực, kinh nghiệm tương ứng với thông tin dự án nêu trên; phản hồi của nhà đầu tư đối với các nội dung khảo sát ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; thông tin liên lạc của nhà đầu tư. Thời điểm hết hạn đăng ký đảm bảo tối thiểu là 30 ngày từ ngày đăng tải thông tin khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc Vành đai 4 được triển khai theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, có mục tiêu xây dựng chính tuyến cao tốc với tổng chiều dài 112,8km (Hà Nội: 58,2km; Hưng Yên: 19,3km; Bắc Ninh: 25,6km và tuyến nối 9,7km).

Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (mặt cắt ngang 17m, bề rộng cầu 17,5m) và 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục đại lộ Thăng Long; nút giao QL6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao Quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh) cùng với các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.

Tổng mức đầu tư dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc Vành đai 4 là 56.520 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 26.730 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 18.313 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 8.417 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư thu xếp là 29.790 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng mức đầu tư.

Báo cáo về tình hình GPMB dự án đường Vành đai 4, UBND TP Hà Nội cho biết, theo phương án tổng thể tổng diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ là 797,29ha/58,2Km.

Số hộ tái định cư 1.006 hộ. Số mộ cần di dời khoảng 11.682 ngôi, thành phố dự kiến bố trí 13 khu tái định cư/392.789m2; Di chuyển 43 cột điện cao thế (110kV, 220kV, 500kV). Đến cuối tháng 1/2023, tổng số tiền đã chi trả trên địa bàn thành phố Hà Nội là 1.762,71 tỷ đồng.

Nghiên cứu bổ sung quy hoạch sân bay ở Yên Bái

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Yên Bái về một số nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, đối với đề nghị liên quan đến bổ sung cảng hàng không Yên Bái vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp thu ý kiến đề xuất của tỉnh Yên Bái tại cuộc họp.

Tiến hành rà soát kỹ đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan đến việc bổ sung quy hoạch 10 cảng hàng không, sân bay vào Quy hoạch tổng thể, nghiên cứu xây dựng phương án phân loại thành 2 nhóm đối tượng gồm: Một là nhóm các địa phương có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không và có sân bay quân sự đang khai thác, có khả năng khai thác lưỡng dụng; hai là nhóm các địa phương có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không nhưng tại địa phương hiện chưa có sân bay hiện hữu.

Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất phương án bổ sung đối với từng cảng hàng không, sân bay vào quy hoạch tổng thể từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về nguồn lực đầu tư cảng hàng không, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Yên Bái chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư và xây dựng đề án đầu tư xây dựng cảng hàng không dân dụng (khi có nhà đầu tư) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về đề nghị bố trí bổ sung vốn thực hiện đầu tư hoàn thành nâng cấp QL32C và QL37, hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung rà soát nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi rà soát, nếu đủ điều kiện, Bộ GTVT sẽ xem xét, cân đối bổ sung nguồn vốn và báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án để tỉnh Yên Bái triển khai hoàn thành 02 dự án này.

Liên quan đề nghị hỗ trợ đầu tư các tuyến đường kết nối liên vùng trên địa bàn tỉnh, đường kết nối Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang), Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14) và dự án đường kết nối huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) với huyện Yên Bình, TP.Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12), Bộ GTVT ủng hộ việc sớm đầu tư các tuyến đường nêu trên.

"Đề nghị UBND tỉnh Yên Bái báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ GTVT sẽ có văn bản ủng hộ khi nhận được yêu cầu tham gia và sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai", Bộ GTVT nêu rõ.

Về kiến nghị sớm đầu tư hoàn chỉnh nút giao IC15 trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai để đồng bộ kết nối, phát huy hiệu quả các tuyến đường giao thông do tỉnh Yên Bái đang thực hiện đầu tư, Bộ GTVT ủng hộ và sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu, đề xuất phương thức thực hiện.

Dự án The Lines căn hộ tại Hưng Yên có giá từ khoảng 44 triệu/m2

The Lines có vị trí tọa lạc tại đường Phố Cúc, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dự án nằm gần kề tuyến đường Giáp Hải (ĐT 379) nối liền đến tuyến Quốc lộ 1A, trung tâm Khu đô thị Ecopark.

The Lines là dự án căn hộ có tổng diện tích 4.370,5, được thiết kế xây dựng với 1 tòa tháp chung cư có chiều cao 32 tầng nổi và 3 tầng hầm. Dự án cung cấp ra thị trường 656 căn hộ.

Dự án căn hộ The Lines sở hữu từ 22 – 23 căn hộ/tầng với các loại hình căn hộ từ 1 – 3 phòng ngủ và penthouse. Các căn hộ có diện tích đa dạng: 1 phòng ngủ diện tích 47,39 m2; 2 phòng ngủ diện tích từ 55,83 – 82,28 m2, 3 phòng ngủ diện tích từ 78,68 – 101,63 m2.

Thiết kế căn hộ mẫu tại The Lines.
Thiết kế căn hộ mẫu tại The Lines.
 

Dự án mang đến hệ sinh thái tiện ích và dịch vụ đặc quyền cho cư dân với những tiện ích nội khu bao gồm: Skybar, nhà hàng, trung tâm chăm sóc sức khỏe, phòng gym-spa, khu vui chơi trẻ em, đường dạo bộ, thư viện,…

Bên cạnh đó, từ dư án cư dân thuận tiện di chuyển đến các tiện ích khu vực trong bán kính 5 km như: Cách trung tâm Khu đô thị Ecopark 1 km, cách bệnh viện Ecoclinic 1 km, cách cầu Thanh Trì 2 km, cách cao tốc 5B và làng gốm Bát tràng 3 km, cách Vinhomes Ocean Park 4 km…

Chủ đầu tư dự án The Lines Hưng Yên là Công ty TNHH đầu tư phát triển An Phú, được thành lập ngày 23/10/2008, đặt trụ sở tại xóm Hưu, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Được biết, dự án The Lines là Công trình tòa nhà hỗn hợp 32 tầng thuộc dự án Khu biệt thự và nhà ở Hưng Thịnh.

Dự án The Lines Hưng Yên được ra mắt thị trường vào tháng 02/2022. Các sản phẩm tại dự án được mở bán với mức giá từ 2,5 tỷ đồng/căn hộ, khoảng 44 triệu/m2.

 

Bảo Ngọc

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục