Tiền có mua được hạnh phúc?

(Kinhdoanhnet) - Nhiều người vẫn thường quan niệm có tiền là có tất cả hay "có tiền mua tiên cũng được". Nhưng thực sự tiền có mua được hạnh phúc?

Tiền không "đủ" làm nên hạnh phúc

Liên Hợp Quốc vừa công bố Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2017 vào đúng ngày hạnh phúc thế giới (20/3), trong đó xếp hạng 155 quốc gia dựa trên mức độ hạnh phúc của công dân mỗi nước. 

Tiền có mua được hạnh phúc? - Ảnh 1
Na Uy là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Theo báo cáo này, Na Uy là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Trong khi đó, cường quốc số 1 thế giới là Mỹ lại tụt một bậc xuống vị trí thứ 14.

Nhóm nghiên cứu nhận định GDP tăng 1% ít gây tác động đến mức hạnh phúc của người dân Mỹ hơn là các yếu tố khác trong đời sống được cải thiện. Ví dụ, hiện nay nhận thức tham nhũng ở Mỹ phổ biến hơn so với giai đoạn 2006-2007. Bù lại, GDP trên đầu người ở Mỹ sẽ phải tăng từ khoảng 53.000 USD đến 62.000 USD. Mặt khác, để bù lại sự thiếu thốn về hỗ trợ xã hội so với 11 năm trước, GDP sẽ phải tăng đến 82.000 USD.

Tóm lại, nếu Mỹ chỉ tập trung đơn thuần vào các thành tựu kinh tế, GDP trên đầu người cần phải tăng đến khoảng 133.000 USD để giành lại được mức hạnh phúc của năm 2006, nhóm tác giả báo cáo cho biết.

"Hãy tưởng tượng một chiếc thang với những bậc được đánh số từ 0 đến 10. Nấc trên cùng của thang thể hiện cuộc sống tốt đẹp nhất đối với bạn, còn nấc dưới cùng là những điều tệ hại nhất. Bạn nghĩ mình đang đứng ở bậc thang nào", bản khảo sát mở đầu bằng câu hỏi.

Có những câu hỏi được đặt ra rất đơn giản, chẳng hạn như "Khi gặp rắc rối, bạn có người thân hay bạn bè để dựa vào hay không?" Những câu hỏi khác phức tạp hơn yêu cầu người được khảo sát đưa ra đánh giá về mức độ tự do, hào phóng và độ tin tưởng của người khác cũng như của chính phủ và các doanh nghiệp.

Các chỉ số để đánh giá mức độ hạnh phúc của một quốc gia xoay quanh một nguyên tắc cơ bản, một khái niệm trước đây được gọi là "sự thỏa mãn với cuộc sống" và nay được nhắc đến một cách đơn giản hơn là niềm hạnh phúc.

Sau khi cộng trung bình các kết quả, nhóm nghiên cứu kết hợp thông tin thu được với những dữ liệu thực tế dựa trên 6 yếu tố chủ chốt: mức GDP bình quân đầu người, sự hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, tự do xã hội, độ hào phóng và tình trạng tham nhũng trong quốc gia đó.

Điều này giải thích vì sao các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Iceland và Thụy Sĩ chiếm những vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng, trong khi Mỹ, quốc gia có nền kinh tế số một thế giới, tụt nhiều hạng so với năm ngoái.

Nhưng tiền là yếu tố "cần" để tạo nên hạnh phúc

Daily Mail cho biết, theo số liệu từ Tổ chức Giáo Dục ở Brooking, những người với thu nhập cao có chỉ số sức khỏe tốt hơn gấp hai lần so với những người thu nhập thấp. Đồng thời, mức độ áp lực, nguy cơ mắc bệnh tim hay chỉ số căng thẳng của những người giàu cũng thấp hơn, đồng nghĩa với việc họ cảm thấy cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn.

Tiền có mua được hạnh phúc? - Ảnh 2

Các chuyên gia nghiên cứu đã so sánh chỉ số trong những năm 1970-1980 với 2009-2014. Họ chia dữ liệu thành các nhóm theo thu nhập hộ gia đình thấp, trung bình hoặc cao. Kết luận, về mặt sức khỏe, tất cả các hộ đều không khỏe mạnh được như 40 năm trước. Tuy nhiên, những hộ thu nhập cao vẫn có chỉ số tốt hơn những gia đình còn lại.

Về mức độ áp lực, căng thẳng, những người có thu nhập thấp cũng phải chịu đựng nhiều hơn. Điều này được phổ biến bởi các bệnh huyết áp cao, cholesterol cao, nguy cơ mắc bệnh tim, các vấn đề về thận, gan.

Các chuyên gia cho rằng, tính sẵn sàng, môi trường và chất lượng trong việc chăm sóc sức khỏe cho những người có mức thu nhập khác nhau là một yếu tố quan trọng. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với một số thực trạng như an ninh lương thực, tiêu chuẩn nhà ở.

Như vậy, có thể nói, tiền không thể mua được hạnh phúc, không phải là tất cả nhưng nó lại là yếu tố cần thiết để tạo nên hạnh phúc.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục