Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ, từ ngày 01/01/2024, các sản phẩm công nghiệp chính thức được miễn thuế nhập khẩu vào nước này, cho dù có nguồn gốc xuất xứ từ bất kỳ nước nào.
Cơ quan Thương vụ cho biết, tại Thụy Sỹ, các sản phẩm công nghiệp bao gồm sản phẩm trung gian đầu vào cho quá trình sản xuất như hàng hóa vốn, nguyên vật liệu, bán thành phẩm, máy móc thiết bị, muối và muối công nghiệp, hàng tiêu dùng như xe các loại, đồ gia dụng, quần áo, giày dép... Các sản phẩm này nằm trong các chương từ 25-97 của biểu mã HS (ngoại trừ một số sản phẩm thuộc chương 35 và 38 cũng được coi là hàng nông sản).
Cùng với việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp, Thụy Sỹ cũng có một số thay đổi để đơn giản hóa biểu thuế hải quan và các quy định về chứng minh xuất xứ. Đối với nhiều loại sản phẩm, việc phân chia mã HS chi tiết do mức thuế khác nhau không còn cần thiết. Từ ngày 01/01/2024, số lượng dòng thuế HS của Thụy Sỹ sẽ giảm từ 9114 xuống 7511.
“Việc loại bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp không làm thay đổi quy trình thông quan. Nhà nhập khẩu vẫn phải khai báo nhập khẩu và thanh toán các khoản phí, lệ phí khác phát sinh khi nhập khẩu, bao gồm cả VAT” - Thương vụ lưu ý.
Đánh giá về ảnh hưởng của chính sách này đối với hàng hóa Việt Nam, dẫn số liệu của Hải quan Thụy Sỹ, Thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết, hàng công nghiệp bình quân cũng chiếm khoảng 90-93% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của nước này từ Việt Nam. Nhiều mặt hàng trong số này được hưởng ưu đãi thuế GSP của Thụy Sỹ.
“Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp của Thụy Sỹ sẽ làm cho sản phẩm của Việt Nam bình đẳng với tất cả các nước khác, không còn lợi thế (chẳng hạn so với các nước không được hưởng GSP) hoặc bất lợi về thuế” - Thương vụ nhận định và cho rằng, đối với một số sản phẩm như dệt may, da giày... hàng Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh đến từ nhiều thị trường khác.