Vị thế vạn người mơ của SaiGon Co.op
Saigon Co.op tiền thân là Ban quản lý Hợp tác xã mua bán thành phố, sau đó được UBND TP.HCM tái cơ cấu thành Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố vào năm 1989. Đơn vị này hiện đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM với 26 hợp tác xã thành viên từ các quận, huyện.
Các lĩnh vực hoạt động chính của Saigon Co.op là bán lẻ, đầu tư, xuất nhập khẩu và sản xuất với 18 thương hiệu, công ty con. Bán lẻ là ngành hàng mang về nguồn thu lớn nhất nhờ hệ thống "chân rết" hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi 24h thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Cheers... phủ khắp cả nước.
Trong phân khúc đại siêu thị, doanh nghiệp này cũng được đánh giá là đơn vị bán lẻ nội địa duy nhất có đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn ngoại như BigC (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc) và Aeon Mall (Nhật Bản).
Theo số liệu gần nhất, doanh thu của Saigon Co.op đã gấp 30.000 lần so với thời điểm mới thành lập năm 1989. Cụ thể, trong năm 2018 doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 32.000 tỉ đồng, năm 2019 là 35.000 tỉ đồng.
Được đánh giá là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đang chiếm 43% thị phần kênh siêu thị khi xét về doanh số bán hàng, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai.
Như vậy, từ doanh thu chưa đến 1 tỉ đồng tại thời điểm thành lập vào năm 1989, đến nay con số này của Saigon Co.op đã tăng hơn 30.000 lần sau 30 năm hoạt động, trung bình mỗi năm tăng trưởng doanh thu 1.000 lần.
10 triệu khách hàng SaiGon Co.op sẽ đơn vị khác bị thâu tóm?
Với vị thế của SaiGon Co.op trong phân khúc bán lẻ, đương nhiên có nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác với SaiGon Co. Cụ thể, để thúc đẩy kênh bán hàng của mình tới người tiêu dùng, cuối tháng 7/2019, Saigon Co.op cùng một định chế tài chính đã ký kết Hợp đồng hợp tác chiến lược toàn diện, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác giữa hai bên.
Theo đó, đơn vị này sẽ cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại, trọn gói tới Saigon Co.op gồm: Sản phẩm, dịch vụ với ưu đãi dành cho đối tác chiến lược; tài trợ các dự án mở rộng mạng lưới siêu thị và cung cấp vốn lưu động; hợp tác triển khai các chương trình cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, tín chấp cho CBNV Saigon Co.op và các đơn vị thành viên Saigon Co.op; hợp tác phát triển mạng lưới siêu thị nhượng quyền; hợp tác quảng bá hình ảnh thương hiệu...
Tuy nhiên, trong khi cái bắt tay hợp tác được hai bên vui mừng tán thưởng thì ngày 27/7/2020, Thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co.op.
Theo kết luận thanh tra về việc chấp hành qui định pháp luật tại Saigon Co.op, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra các dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản tại đơn vị này.
Trong đó, sai phạm lớn nhất được chỉ ra là bất thường trong việc gấp rút thực hiện tăng vốn điều lệ năm 2020 khi chưa được cơ quan cấp phép kinh doanh chấp thuận. Thông qua các hợp tác xã (HTX) thành viên, lãnh đạo Saigon Co.op đã cho phép nhà đầu tư sở hữu vốn góp tại Saigon Co.op, dẫn đến nguy cơ Saigon Co.op bị thâu tóm.