* Càng gần Tết, giá càng tăng
Dạo qua các điểm cho thuê xe tại Hà Nội như Trần Khát Chân, Lê Văn Lương, Tây Hồ..., tới thời điểm hiện tại, các đơn vị cho thuê xe ô tô gần như đã “chốt sổ”, đơn vị còn xe thì hét giá tăng gấp gần gấp đôi so với ngày thường.
Giá cho thuê xe tự lái trong những ngày cận Tết đắt gần gấp đôi so với ngày thường. Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
Theo nhiều cơ sở cho thuê xe, do kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài, phần lớn các đơn vị đều cho thuê trọn gói cả kỳ nghỉ để họ dành thời gian cho cả gia đình về quê hay đi du lịch hoặc nghỉ ngơi sau một năm kinh doanh dịch vụ này. Những trường hợp thuê xe 3-4 hay 5 ngày, giá sẽ cao hơn thuê trọn gói và tăng gấp đôi so với ngày thường.
Giá cho thuê xe tự lái phụ thuộc vào thương hiệu, chất lượng, đời xe, như các dòng cỡ nhỏ giá rẻ như Kia Morning, Chevrolet Aveo, Hyundai i10, Getz... tăng từ mức 400-500.000 đồng/ngày thường lên mức 750.000 - 850.000 đồng/ngày.
Các dòng xe sedan phân khúc B như Kia K3, Honda City, Toyota Vios số tự động giá thuê ngày thường từ 700.000 - 800.000 đồng/ngày thì trong dịp này lên mức 1,2 triệu đồng/ngày. Các dòng xe 7 chỗ như Toyota Innova, Fotuner; Ford Escape, Everest; Hyundai SantaFe có giá cho thuê từ 1,5 - 2 triệu đồng/ngày...
Mức giá chênh lệch giữa xe số sàn và số tự động dao động trong khoảng 100.000 - 200.000 đồng/xe/ngày. Riêng các dác dòng xe sang như Lexus, Audi, BMW... trước đây có giá cho thuê từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/ngày thì dịp này giá dao động trên dưới 3 triệu đồng/ngày.
Tại Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Hoàng Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thuê ô tô đều tăng đến 100% trong những ngày nghỉ lễ Tết. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, họ cũng không còn xe cho khách thuê.
“Bên mình hết xe rồi, chỉ còn duy nhất một con Innova, giá 1,6 triệu/ngày, nhưng bắt buộc phải thuê trọn kỳ nghỉ Tết. Tầm này mà không thuê nhanh, thì mấy ngày nữa có tiền cũng chịu chết”, nhân viên của đơn vị này nói.
Cũng theo đơn vị này, giá ngày thường của dòng xe này chỉ dao động từ 700.000 – 900.000 đồng/ngày, nhưng dịp Tết sẽ tăng gấp đôi. Với những dòng xe có giá thuê thấp hơn và được nhiều lựa chọn như Hyundai Getz, Grand i10, Accent, Toyota Vios… đều được khách ký hợp đồng thuê đầu tiên, cách cả tháng trước Tết.
Chủ một cơ sở khác trên phố Xã Đàn, Hà Nội cho hay, giá thuê xe trọn gói các dòng xe 5 chỗ, không lái dao động từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/ngày. Xe 7 chỗ dao động từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/ngày. Nếu thuê có lái, có thể cộng thêm chi phí từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/ngày, nhưng cũng hiếm có lái xe đi trong những ngày này bởi họ muốn ăn Tết cùng gia đình...
Còn tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Yến Nhi (Tây Hồ, Hà Nội), họ cũng chỉ còn 3 dòng xe như Fortuner giá cho thuê 1,7 triệu đồng/ngày; xe bán tải giá 1,5 triệu đồng/ngày; xe Camry giá 2,5 triệu đồng/ngày và đều phải cam kết thuê từ 8 ngày trở lên.
Nhân viên ở đây cho biết, muốn thuê được xe trong mấy ngày Tết với nhiều sự lựa chọn cần phải đặt xe sớm. Các dòng xe như Mercedes, BMW, Audi… giá cho thuê từ 2 đến 3 triệu đồng/ngày còn hết sớm huống chi các dòng xe bình dân như Honda Civic, Toyota Vios, Kia Moring, Huyndai i10 hay Nissan Sunny... bởi đây là những dòng xe có giá thuê phù hợp với đại đa số người có nhu cầu.
Theo tính toán của anh Tạ Đình Thắng, quê ở Nghệ An, để có xe tự do “vi vu” trong những ngày Tết, tính trọn gói, khách hàng thuê xe phải chi trả một khoản tiền không nhỏ, từ 6 đến 24 triệu đồng.
Thế nhưng hiện nay các cơ sở cũng không còn xe cho thuê, nếu trường hợp chủ cơ sở nhượng lại xe của họ hay “kêu gọi” từ nơi khác thì giá cũng “trên trời”, khiến anh và một số bạn bè từ bỏ ý định thuê xe chuyển sang taxi về quê.
* Những kinh nghiệm thuê xe
Theo giới chuyên môn, nhu cầu thuê xe tự lái những năm gần đây tăng dần đặc biệt trong những dịp như lễ, Tết. Trường hợp khách hàng thuê được xe nhưng không phải ai cũng nắm rõ quy trình thuê xe nên rất dễ mất tiền oan... Do đó, người thuê xe cũng cần quan tâm đến những kinh nghiệm nhỏ để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra trong quá trình thuê xe.
Một số cơ sở cho thuê xe tự lái trên phố Trần Khát Chân. Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
Theo đó, nên kiểm tra kỹ giấy tờ xe về thời hạn lưu hành, đăng ký, đăng kiểm xe... Trong trường hợp bị cảnh sát tuýt còi, nếu giấy tờ xe và thời hạn lưu hành xe đã hết, rất có thể người thuê xe sẽ gặp rắc rối to.
Khi thấy giấy tờ xe đã ổn, bạn không được bỏ qua khâu kiểm tra hiện trạng ngoại và ngoại thất xe không chỉ để đảm bảo an toàn cho việc sử dụng mà còn rất cần thiết để tránh những tranh cãi không đáng có hay những phiền hà về đền bù khi trả xe.
Để an tâm đi xa, cũng cần kiểm tra xem lốp dự phòng của xe còn sử dụng được hay không, các thiết bị hỗ trợ khác như: Kích xe, hộp đồ, cầu chì và bóng đèn sơ cua... Nếu thiếu một trong những dụng cụ trên cần yêu cầu bên cho thuê bổ sung rồi mới nhận xe.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần kiểm tra số km hiện tại, tình trạng xăng, dầu, nước làm mát... đồng thời đi thử xe để kiểm tra hệ thống lái, giảm xóc, điều hòa... Điều này có thể giúp nhận ra những trục trặc của xe, tránh những sửa chữa không đáng có khi xe đã nhận xe.
Cùng với việc kiểm tra giấy tờ, nội và ngoại thất xe, khách hàng cũng nên xem xét các điều khoản thỏa thuận và hỏi kỹ về gói dịch vụ như thời gian cho thuê, hạn chế bao nhiêu km/ngày và giá tiền km phụ trội. Trước khi nhận xe, lập biên bản để xác định tình trạng của xe một cách rõ ràng, cụ thể.
Khi thỏa thuận đặt cọc hãy thêm điều khoản đền bù cụ thể của chủ xe trong trường hợp không giao xe đúng hẹn, không đúng loại xe đã hợp đồng,... Chẳng hạn, trong hợp đồng thuê xe tự lái thường có mục thuê xe loại nào, đời xe, biển số xe, màu xe...
Song, nếu bạn không để ý tới điều khoản này thì hầu hết chủ xe đều bỏ qua luôn để tránh bị ràng buộc và khi giao xe, nhiều khách hàng đã phải nhận những chiếc xe cũ, không an toàn...
Trường hợp xe gặp sự cố hỏng hóc dọc đường, thậm chí là tai nạn và người cho thuê yêu cầu đền bù, lúc này khách hàng cần nhờ đến người có kinh nghiệm và kiến thức về pháp luật để tránh phải đền bù không thỏa đáng./.
Nguồn: Bnews