Thực hư lãi vay tiêu dùng trả góp 0%

Trong bối cảnh đẩy mạnh cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần tài chính tiêu dùng, nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính (CTTC) thường đưa ra thông điệp lãi suất trả góp 0%/năm. Nhưng xét thực tế, sẽ không có một đơn vị cung ứng vốn nào “cho không” người vay.

Nếu như trước đây, các chương trình ưu đãi lãi suất 0% chỉ được các nhà băng, CTTC tung ra vào dịp lễ, tết, thì hiện nay, các CTTC liên tục đưa ra quanh năm. Thậm chí, một số đơn vị còn áp dụng mức lãi suất này trong suốt quá trình vay từ 6 tháng đến 1 năm. Các CTTC khẳng định, sản phẩm mà họ triển khai cho vay mua trả góp lãi suất 0%/năm hiện chiếm đa số trong các sản phẩm vay và đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng.

Lãnh đạo một CTTC nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cho biết, việc đưa ra chương trình mua hàng trả góp lãi suất 0%/năm không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, mà cho cả nhà cung cấp hàng hóa và CTTC. Cụ thể, nhà cung cấp sẽ tăng được doanh thu bán hàng, CTTC có hoa hồng từ các nhà phân phối, bù đắp chi phí huy động vốn, khách hàng được hưởng lãi suất 0%.

Dạo qua một vòng các cửa hàng kinh doanh điện máy trên địa bàn Quận 9, Quận 2, Quận 3, TP. HCM như: Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Đông A…, có không ít nhân viên các CTTC (ACS, FE Credit, HD SAISON…) chào mời khách hàng vay vốn mua hàng trả góp với các điều kiện đơn giản, không cần tài sản thế chấp, giải quyết nhanh chóng.

Biển quảng cáo lãi suất trả góp 0% cũng được các đơn vị cung ứng vốn treo ngay cửa ra vào. Tuy nhiên, thực tế, không có khoản vay nào là miễn phí cho người vay như quảng cáo của các đơn vị cung ứng vốn. Nếu không thận trọng, xem kỹ hợp đồng trước khi vay, khách hàng sẽ dễ mắc “bẫy” lãi suất cao.

Chị Nguyễn Minh Tiên (Quận 2, TP. HCM) cho biết, cuối năm ngoái, chị đã đến một cửa hàng Thế Giới Di Động mua Iphone 5S, giá gần 8,5 triệu đồng và được một CTTC hỗ trợ với chương trình trả góp trong vòng 6 tháng, lãi suất 0%. Tính ra, hàng tháng chị Tiên chỉ trả góp khoảng 1,416 triệu đồng cho khoản vay nói trên, nhưng thực tế khoản tiền chị phải trả cho CTTC là 1,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, khoản tiền tăng thêm so với vốn gốc vay ban đầu là 500.000 đồng. Đem thắc mắc này đến hỏi nhân viên tư vấn của CTTC, chị Tiên nhận được câu trả lời, đó là các khoản phí phát sinh trong quá trình vay vốn và quản lý hồ sơ khách hàng.

Một khách hàng tên Nguyễn Ánh Châu cũng cho hay, chị đã sử dụng gói vay của một CTTC để mua điện thoại trả góp tại một cửa hàng của Thế Giới Di Động trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. HCM, giá bán 8,99 triệu đồng.

Phải trả trước một khoản là 2,698 triệu đồng, phần còn lại được trả góp trong vòng 6 tháng, lãi suất 0%. Nhưng ngoài khoản góp hàng tháng này, chị Châu còn phải trả thêm 48.000 đồng/tháng (phí thu hộ 13.000 đồng/tháng + bảo hiểm 35.000 đồng/tháng). Tổng chênh lệch so với khoản vốn vay gốc ban đầu là 286.000 đồng trong vòng 6 tháng khi hưởng mức lãi suất 0%/năm.

Nhưng đây chưa phải là khoản chênh lệch lớn nhất khi vay tiêu dùng trả góp lãi suất 0%. Một số khách hàng khác chỉ cần bằng lái xe, hộ khẩu đã có thể vay mua điện thoại trị giá 10 triệu đồng, trả góp trong 12 tháng, lãi suất 0%. Tuy nhiên, số tiền thực khách hàng phải trả hàng tháng là 1 triệu đồng/tháng, tính ra khoản vốn góp lên đến 12 triệu đồng, chênh lệch 2 triệu đồng so với vốn gốc ban đầu.

Thực tế, các CTTC cho vay lãi suất 0% nghĩa là đã hỗ trợ phần lãi suất, không tính lãi; còn đối với các khoản phí khác (duy trì, vận hành, bộ máy, phí phạt chậm, phí trả trước hạn...) CTCT vẫn cộng vào luôn tiền phải trả hàng tháng. Chưa kể, các CTTC thường tư vấn và khuyến khích khách hàng tham gia bảo hiểm khoản vay và nộp thêm phí thu hộ 12.000-13.000 đồng/tháng, tùy từng CTTC khác nhau.

Như vậy, việc mua trả góp mà các CTTC đang triển khai không tính lãi suất, nhưng nếu cộng các khoản phí lại thì số tiền phải trả vẫn cao hơn số tiền gốc của sản phẩm đưa ra ban đầu. Một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ cho rằng, mua hàng trả góp lãi suất bằng 0% là chuyện không tưởng, trừ khi DN tăng giá hàng cao hơn bình thường hoặc đơn vị hỗ trợ vốn sẽ cộng thêm phí.

Hình thức mua hàng trả góp lãi suất 0%/năm lẽ ra phải được xây dựng sao cho lợi ích lớn nhất thuộc về khách hàng, nhưng thực tế lại dành cho nhà hỗ trợ vốn và bán sản phẩm. Vì thế, người dùng, đặc biệt là những người thu nhập thấp không vay được tại ngân hàng sẽ bị “ảo tưởng” về lãi suất trả góp mà mình được hưởng.

Thực tế, nhiều chương trình tín dụng tiêu dùng lãi suất 0% cũng đã được các ngân hàng triển khai những năm gần đây, nhưng chỉ áp dụng thời gian ngắn, sau đó lại tăng lãi suất để bù chi phí nên không thu hút được khách hàng.  

PV (Theo Đầu tư chứng khoán)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục