Thực hư chủ đầu tư 'nợ' nhà thầu xây dựng

Các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng phải đối mặt với tình trạng chủ đầu tư chây ỳ không thanh toán nợ đọng, khiến khó khăn về dòng tiền triển khai dự án.

Có từ 20 - 25% các chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thanh toán nợ đọng, khiến cho các nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền triển khai dự án. Đây là thông điệp được Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đưa ra trong Hội thảo “Nợ đọng xây dựng – kiến nghị giải pháp” được tổ chức sáng 18/8 tại Hà Nội.

Theo VACC, hiện có quá nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, đặc biệt trong khâu thanh quyết toán, dẫn đến tình trạng phần lớn các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng còn lại từ 20 – 25% cuối dự án. Nhiều dự án đã được chủ đầu tư đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa thể quyết toán, trong khi các nhà thầu vẫn phải chịu lãi suất cao từ nguồn vốn vay ngân hàng, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Thực hư chủ đầu tư 'nợ' nhà thầu xây dựng - Ảnh 1

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 tại một số doanh nghiệp địa ốc, trong các chỉ tiêu nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán có khoản mục “phải trả người bán ngắn hạn” cần được xem xét kỹ càng, bởi khoản mục này thể hiện số tiền nợ ngắn hạn mà doanh nghiệp còn phải trả cho người bán hàng, nhà cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ cho doanh nghiệp. Các khoản nợ này có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường. 

Chẳng hạn tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), tính đến 30/6/2022, khoản mục phải trả người bán ngắn hạn lên tới 196,7 tỷ đồng, tăng 27% so với thời điểm đầu năm. Trong đó chủ yếu là phải trả cho CTCP Xây dựng An Phong gần 116 tỷ đồng, tăng tới 67% so với đầu năm.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại KDH
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại KDH

Còn tại CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), phải trả người bán ngắn hạn tăng 9% lên hơn 635,3 tỷ đồng. Trong đó, NLG còn phải trả cho CTCP Đầu tư và Xây dựng Newtecons hơn 125 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Phạm Nguyên gần 71 tỷ đồng, CTCP Xây dựng Coteccons gần 67 tỷ đồng;…

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại NLG
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại NLG

Doanh nghiệp địa ốc tiếp theo là Tập đoàn BĐS An Gia (AGG) cũng ghi nhận nợ phải trả người bán ngắn hạn gần 508 tỷ đồng. Trong đó, AGG còn phải trả cho CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons hơn 226 tỷ đồng, tăng nhẹ 10% so với đầu năm; cho Xây dựng Ricons hơn 151 tỷ đồng;…

Trường hợp tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR), tính đến 30/6/2022, nợ phải trả người bán ngắn hạn còn hơn 225,6 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với đầu năm 2022. Trong đó, TTC Land chủ yếu phải trả cho Cty TNHH Thương mại Xây dựng Thuận Việt gần 69 tỷ đồng, tăng gấp 3,9 lần đầu năm;…

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại SCR
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại SCR

Đối với CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) cũng ghi nhận hơn 638 tỷ đồng nợ phải trả người bán ngắn hạn, tăng đến 51% so với đầu năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 tại PDR.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 tại PDR.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp trong chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” chia sẻ rằng, do nguồn vốn eo hẹp, doanh nghiệp xây dựng phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9 - 10%/năm nên có những tập đoàn một quý trong năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Điển hình như Coteccons, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần đạt hơn 5.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ có vỏn vẹn hơn 5,4 tỷ đồng.

Trước tình trạng nợ đọng từ các chủ đầu tư, phía Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã đề xuất:

Thứ nhất, đối với vốn đầu tư công, đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Thứ hai, đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.

Trước mắt, có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư.

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục