Những sai phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án BT của CII
Cụ thể, KLTT cho biết TP HCM đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT. Trong đó, CII được chỉ định đầu tư xây dựng dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc – Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ...
Theo đó, CII sẽ thực hiện hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc – Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 2.641 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Xây dựng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ): chiều dài khoảng 1.097m; Xây dựng các tuyến đường nội bộ trong phạm vi Khu chức năng số 3 và số 4: tổng chiều dài khoảng 8.341m; Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với xây dựng đường, gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc, hào kỹ thuật, cây xanh.
KĐT mới Thủ Thiêm.
Đổi lại UBND TPHCM đã giao 9 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm quy mô 90.078,3 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài xây dựng nhà ở và 6.053,6 m2 đất sử dụng 50 năm xây dựng văn phòng cho thuê để thanh toán hợp đồng BT cho CII.
Tuy nhiên, trong KLTT vừa công bố, TTCP đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án BT hạ tầng Khu dân cư phía Bắc. Theo đó, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho thực hiện theo hình thức BT nhưng không đăng tải nội dung của dự án lên trang thông tin điện tử của Thành phố và Báo Đấu thầu.
TP HCM phê duyệt tổng mức đầu tư, trong đó có một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị 411.884,912 triệu đồng; đề ra biện pháp thi công không phù hợp, phải thay đổi, dẫn đến chi phí thực tế phải giảm so với tổng mức đầu tư là 118.410 triệu đồng.
CII đầu tư các dự án “khủng” từ quỹ đất đối ứng dự án BT
Từ quỹ đất đối ứng dự án BT nói trên, CII đã triển khai các dự án có quy mô lớn tại Thủ Thiêm như: The Riverin Thủ Thiêm và Lake View Thủ Thiêm.
Vị trí của dự án Riverin nằm trong khuôn viên KĐT Thủ Thiêm.
Cụ thể, vào quý 3/2018, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản chấp thuận cho CII triển khai dự án Khu nhà ở chung cư tại lô 3-15 và 3-16 (tên thương mại: The Riverin) thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 theo hợp đồng BT.
Được biết, dự án The Riverin có tổng diên tích 35.259 m2 (3.53ha), chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Một thành viên Khu Bắc Thủ Thiêm (thuộc công ty con của CII). Tên cũ của dự án The Riverin trước đó là: Thủ Thiêm River Park và Marina Bay Thủ Thiêm.
Theo giới thiệu, quy mô dự án rộng khoảng 3,5ha; bao gồm 1 tầng hầm, khối đế cao 4 tầng và 6 tháp căn hộ cao 12-24 tầng với 1.140 căn hộ Shophouse, Penthouse, Biệt thự trên không (Pool Villas). Dự án được khởi công xây dựng từ đầu tháng 4/2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021.
Phối cảnh dự án The Riverin Thủ Thiêm.
Ngoài dự án The Riverin, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, CII còn là chủ đầu tư của một dự án "khủng" khác đó là dự án Thủ Thiêm Lakeview.
Thủ Thiêm Lake View bao gồm các loại hình: dự án căn hộ, nhà phố, shophouse do CII đầu tư xây dựng tại khu đô thị Thủ Thiêm Quận 2. Dự án toạ lạc tại 5 lô đất, được đánh số thứ tự từ Lake View 1 đến Lake View 5 và xây dựng tại khu 4.
Hiện CII đã triển khai 3 dự án Lake View 1 (lô đất 3-1), Lake View 2 (4-7) và Lake View 4 (4-8) lần lượt sẽ được bàn giao vào năm 2018 và 2019, còn lại Lake View 3 (3-2) và Lake View 5 (3-6), dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2020.
Phối cảnh dự án Thủ Thiêm Lake View.
Dự án có quy mô diện tích khoảng 5ha, bao gồm các toà nhà thấp tầng, trong đó có căn hộ cao cấp, căn hộ sân vườn, Căn hộ thông tầng, nhà phố thương mại, Shophouse…
Đáng chú ý, trong Báo cáo tài chính năm 2018 của CII cho biết, 9 lô đất đối ứng CII được giao khi thực hiện dự án BT nói trên có giá trị hơn 2.855 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong diễn biến liên quan mới đây, UBND TPHCM tổ chức bán đấu giá 9 lô đất trong khu chức năng số 1 (gần các 9 lô đất được giao cho CII) Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá khởi điểm từ 27.000 tỷ đồng.
Nếu vậy, giá 9 lô đất mà CII với tư cách nhà đầu tư được chỉ định ít nhất cũng có giá từ 27.000 tỷ đồng, chênh lệch rất nhiều so với tổng vốn đầu tư CII bỏ ra chỉ có 2.641 tỷ đồng!?
Trong KLTT vừa công bố, TTCP cũng đã chỉ ra những sai phạm liên quan đến các dự án đối ứng dự án BT và việc các nhà đầu tư dự án BT được hưởng lợi do chênh lệch giá đất.
Theo đó, cơ quan chức năng liên quan của TP. HCM đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND TP duyệt chi phí bình quân một m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng, giảm khoảng 50% so với giá các sở ngành đề xuất trước đó với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là 17.042 tỉ đồng, là không đầy đủ và không đúng quy định.
Toàn bộ quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm hơn 221 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhưng UBND Thành phố đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.
“Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT”, kết luận của TTCP nêu rõ.
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (Mã CK: CII) được thành lập từ năm 2001. Hoạt động kinh doanh của công ty khá đa dang với việc đầu tư vào các lĩnh vực cầu đường, nước sạch, bất động sản và đầu tư tài chính.
Trong những năm qua, CII được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án BT, BOT chủ yếu tại TPHCM và một số tỉnh lân cận.
Trong năm 2019, hai dự án BOT của CII lọt tầm ngắm Thanh tra Chính phủ, bao gồm: BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến trên Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên.
Hải Lan