Thực hiện 2 thương vụ M&A tỷ đô la
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land (Viva Land) thành lập ngày 15/5/2019 với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Kim Khánh. Tuy nhiên, tới nay, ông Lim Boon Hwee đã thay thế nữ doanh nhân sinh năm 1981.
Kể từ khi thành lập, không năm nào Viva Land không gây bất ngờ với những đợt M&A chấn động.
Mới đây nhất, giữa tháng 6/2022, Viva Land bị nghi là thâu tóm dự án cũ của Tập đoàn FLC ở Hải Phòng khi xuất hiện trên khu đất quy mô hơn 13.000m2. Trước đó, Viva Land cũng gây “sốt” vì chi 240 triệu SGD (gần 4.000 tỷ đồng) mua lại khách sạn SO/ Singapore – toạ lạc tại góc đường Robinson Rd và Boon Tan St.
Hồi đầu năm 2022, khiến dư luận xôn xao khi rót 550 triệu USD (gần 12.500 tỷ đồng) để mua lại phần vốn vốn tại Capital Place, tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế tại Hà Nội.
Trước đó, trong năm 2021, Viva Land vượt qua nhiều đại gia bất động sản đình đám khác khi muốn hồi sinh dự án có thâm niên “đóng băng” Saigon One Tower. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng những khoản nợ xấu được đảm bảo bằng dự án lên đến hơn 7.000 tỷ đồng.
Hồi đầu năm 2021, Viva Land chi khoảng 361 triệu USD (khoảng 8.340 tỷ đồng) để mua toà nhà văn phòng Robinson Point Tower cao 21 tầng.
Có thể thấy, trong năm 2022, Viva Land đã tiêu 14.500 tỷ đồng. Còn trong năm 2021, chỉ với hai thương vụ thâu tóm Saigon One Tower và Robinson Point Tower, Viva Land đã phải chi hơn nửa tỷ đô la để thanh toán.
Viva Land chỉ chi... 1,5 tỷ đồng
Hiện tại, còn quá sớm để nói về dữ liệu tài chính của Viva Land. Tuy nhiên, bức tranh tài chính năm 2021 của Viva Land lại cho thấy nhiều điểm bất thường.
Như đã nói ở trên, trong năm 2021, chỉ với hai thương vụ thâu tóm Saigon One Tower và Robinson Point Tower, Viva Land đã phải chi hơn nửa tỷ đô la để thanh toán.
Thế nhưng, báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2021 của Viva Land cho thấy trong năm, công ty chỉ chi hơn... 1,5 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định; tiền cho vốn góp vào đơn vị khác chỉ là 0 đồng.
Viva Land hoàn toàn có khả năng “mua chịu”. Nếu điều đó xảy ra, khoản tiền khổng lồ kể trên sẽ được ghi nhận vào nợ phải trả. Tuy nhiên, nợ phải trả năm 2021 của công ty dù tăng đột biến nhưng vẫn vô cùng khiêm tốn so với chi phí để thực hiện các thương vụ kể trên.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả tại Viva Land đạt 201 tỷ đồng, tăng 192 tỷ đồng, tương đương... 2.133% so với năm 2020 nhưng chỉ bằng 2,3% tổng giá trị hợp đồng mua lại toà nhà văn phòng Robinson Point Tower.
Dự án khủng không thuộc về Viva Land?
Trước năm 2022, Viva Land đã thực hiện các thương vụ thâu tóm khủng. Nhưng có vẻ như giá trị các tài sản này không được ghi nhận cho Viva Land vì tài sản công ty nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị các dự án.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, sau khi các thương vụ trị giá tối thiểu nửa tỷ đô được công bố, tổng tài sản Viva Land chỉ là 242 tỷ đồng. Tài sản dài hạn khác là chỉ tiêu có giá trị lớn nhất khi đạt gần 136 tỷ đồng. Đây được xác định là chi phí trả trước dài hạn.
Có thể thấy, với việc tổng tài sản quá nhỏ so với quy mô những dự án kể trên, Viva Land khó có thể là chủ nhân đích thực của chúng được.
Điều này cũng phù hợp với phần giới thiệu của Viva Land. Trên website của mình, Viva Land cho biết hiện đang quản lý quỹ đất lên đến 800ha với hơn 17.000 căn hộ, trị giá khoảng 5 tỷ USD.
Một trong những dự án tiêu biểu của Viva Land đang thực hiện tại TP.HCM gồm IFC Onee, Project GP (Nguyễn Trãi, quận 5), Waterfront Saigon (Tôn Đức Thắng, quận 1), Saigon Peninsula (phường Phú Thuận, quận 7).
Câu hỏi đặt ra là Viva Land đang “quản lý” những dự án khủng cho ai?
Hiện tại, chưa có dữ liệu để trả lời cho câu hỏi này. Chỉ biết rằng các lãnh đạo của Viva Land có mối liên hệ với Tập đoạn Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn CapitaLand, đơn vị bán tòa nhà Capital Place cho Viva Land.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết