Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ xin "nhồi" thêm tòa 18 tầng vào Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc Tổng công ty Vinaconex xin xây thêm cao ốc 18 tầng tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính - Thanh Xuân - Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ xin "nhồi" thêm tòa 18 tầng vào Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính - Ảnh 1

Văn bản của Văn phòng Chính phủ cho hay, qua thông tin báo chí phản ánh về việc hơn 700 hộ dân khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bức xúc kiến nghị đến các cơ quan chính quyền về việc khu đô thị bị phá vỡ quy hoạch suốt 20 năm qua.

Tuy nhiên, chủ đầu tư lại tiếp tục xin điều chỉnh quy hoạch khu đất để xây bãi đậu xe, tổ hợp văn phòng 18 tầng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng xử lý ý kiến của người dân và các vấn đề tương tự trong quy trình thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình.

Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động từ năm 2006. Thời gian đầu khi mới được đưa vào hoạt động, khu đô thị này từng được coi là kiểu mẫu của Hà Nội. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, với sự gia tăng nhanh chóng của dân số và các tòa chung cư cao tầng đua nhau mọc lên đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, bí bách.

Tuy nhiên, mới đây, Tổng công ty Vinaconex đã có đề xin điều chỉnh quy hoạch khu đất ký hiệu CN (có diện tích khoảng hơn 4.300m2) thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính để xây dựng tòa nhà cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 18 tầng nổi và 3 tầng hầm.

Mặc dù, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp với cư dân, hệ thống chính trị khu dân cư để lấy ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, qua các buổi họp, 100% cư dân đều phản đối Vinaconex xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng dự án tại ô đất trên.

Theo người dân tại khu Trung Hoà - Nhân Chính, nếu xây dựng dự án trên thì sau khi dự án được đưa vào khai thác sử dụng sẽ làm tăng dân cư làm việc, sinh hoạt tại đây và gây áp lực lên khu vực cùng tuyến đường Lê Văn Lương vốn đang rất đông đúc.

Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu quy hoạch Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính được điều chỉnh. Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng.

Ba năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà nhà lên 16 tòa cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 đến 21 tầng. Tới nay, sau gần 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao tầng với chiều cao từ 17 đến 34 tầng.

Trả lời về nội dung này, tại buổi họp báo quý I của Bộ Xây dựng chiều 9/4, Vụ quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án là do UBND TP Hà Nội quyết định. Việc điều chỉnh phải tuân thủ quy hoạch đô thị và đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch và được sự đồng thuận của người dân.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện nay, qua thông tin báo chí phản ánh, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các Sở ngành của Thành phố xem xét, ghi nhận ý kiến của người dân khi triển khai quy hoạch này. Nếu không đảm bảo tính đồng thuận thì phải điều chỉnh đảm bảo tính pháp lý của dự án.

Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng: "Vấn đề quy hoạch các dự án cao tầng trong nội đô thời gian qua nhận được sự quan tâm của dư luận. Quá trình thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội về vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo gửi UBND các cấp, UBND TPHCM, TP Hà Nội về kết quả giám sát. Các quy chế về nhà cao tầng phải được thực hiện dựa theo các văn bản pháp luật ví dụ quy chế quản lý nhà cao tầng tại các quận nội đô..."

"Như vậy, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch các dự án nhà cao tầng phải đảm bảo yếu tố pháp lý để triển khai. Nếu xuất hiện việc phê duyệt không đúng thì cơ quan cho phép điều chỉnh quy hoạch phải chịu trách nhiệm", bà Hằng nói.

 

 

Phương Dung - Dân Trí.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục