Đã tiêm được 96 triệu liều vắc xin
Trước đó, Quốc hội đã chất vấn các Bộ trưởng: Nguyễn Thanh Long, Đào Ngọc Dung, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Chí Dũng về 4 nhóm vấn đề: y tế; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.
Sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng, từ 9h45 đến 11h20 ngày 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đây cũng là thông lệ từ các nhiệm kỳ trước khi mà ở kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ là thành viên Chính phủ cuối cùng "đăng đàn" trước khi kết thúc hoạt động chất vấn của kỳ họp.
Trong phần phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng xin chia sẻ, cảm thông sâu sắc với đồng bào về những mất mát, tổn thất về tinh thần, vật chất, nhất là với những gia đình mất người thân do dịch Covid-19.
Ông nhấn mạnh, chúng ta tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp nhân dân; sự cống hiến to lớn, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ công tác cộng đồng, các nhóm thiện nguyện trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân.
Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất, khen thưởng bậc cao đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch vừa qua.
Báo cáo về tình hình KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời điểm hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các cấp, ngành, địa phương đang tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt, đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
"Nhờ thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế, tình hình KTXH tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước", người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Thu hút vốn FDI 10 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại. Thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 91% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, nhiều địa phương nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong phục hồi, phát triển KTXH gắn với kiểm soát dịch bệnh. Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được chú trọng.
"Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải", Thủ tướng nêu thực tế.
Về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch nêu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ là phù hợp, kịp thời.
Theo ông, chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc.
Tính đến ngày 11/11, Việt Nam nhập khẩu được 135 triệu liều vắc xin, tiêm được 96 triệu liều, tỷ lệ trung bình người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi đạt trên 86%, tiêm 2 mũi đạt khoảng 45%.
Dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 năm nay, chúng ta tiếp tục nhập khẩu khoảng 85,1 triệu liều vắc xin, trong đó có vắc xin cho trẻ em.
Cùng với việc có lộ trình từng bước tiêm vắc xin cho trẻ em, Thủ tướng lưu ý tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; đồng thời, tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.
Thủ tướng tại phiên chất vấn.
Từng bước mở cửa lại trường học
Theo Thủ tướng, đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục. Mặc dù ngành giáo dục cùng cả nước đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đa dạng hóa các phương thức dạy và học, nhưng việc nghỉ học và học trực tuyến dài ngày ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh, giáo viên, gia đình và chất lượng giáo dục... như nhiều đại biểu đã nêu.
"Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua.
Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vắc xin cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu", Thủ tướng phát biểu.
Dự báo đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước. Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình, phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.
Giải pháp phát triển hạ tầng tương lai
Mở đầu chất vấn, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đã hỏi Thủ tướng về giải pháp phát triển hạ tầng sắp tới?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho hay, trong những ngày qua nhiều đại biểu rất quan tâm tới vấn đề hạ tầng (hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng chuyển đổi số…).
Thủ tướng cho rằng, cần tổng kết, rà soát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì những gì đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân khách quan và chủ quan ở đâu. Trên cơ sở đó, để xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng cho phù hợp.
Ông nói, quy hoạch này phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra. Chúng ta phải hoàn thiện thể chế, quy trình, để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để phát triển hạ tầng.
Những gì thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương thì địa phương phải lo, cái gì thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải lo và những gì vượt thẩm quyền Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội để ban hành.
Về nguồn vốn, theo Thủ tướng, ta tiếp tục hoàn thiện và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả nguồn lực nhà nước và tư nhân. Lấy nguồn lực của Nhà nước là vốn mồi, dẫn dắt.
Đồng thời phải có công nghệ để phát triển hạ tầng. Thêm nữa là vấn đề quản trị trong phát triển hạ tầng để chống lãng phí, tiêu cực, công khai minh bạch.
Đại biểu Vương Thị Hương.
Ứng phó với dịch Covid-19 thời gian tới thế nào?
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi: Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Chương trình hành động của Chính phủ để ứng phó với dịch Covid-19 thời gian tới như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng ở nước ta mà còn trên toàn thế giới. Trong 2 năm qua, Việt Nam thực hiện chống dịch và rút ra được nhiều kinh nghiệm, có cả trả giá.
Từ những kinh nghiệm đó, Việt Nam dần dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh, một phần hiểu được virus. Tuy chưa tổng kết một cách toàn diện nhưng, theo Thủ tướng, Việt Nam đã đưa ra các trụ cột phòng chống dịch.
Thứ nhất, phải cách ly nhanh chóng, diện hẹp nhất có thể. Thứ hai là chiến lược xét nghiệm. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh virus không sờ không thấy, không ngửi thấy, không nhìn thấy, thì phải xét nghiệm. Xét nghiệm phải an toàn và xét nghiệm nhanh. Thứ ba, phải điều trị, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngăn chặn chuyển bệnh nặng, giảm tử vong.
Trên cơ sở này, Chính phủ hình thành công thức 5K vắc xin thuốc điều trị các biện pháp điều trị công nghệ đề cao ý thức người dân….
Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế sẽ kết hợp những phương pháp khác như kết hợp điều trị bằng Đông - Tây y kết hợp.
“Tôi cũng thấy rằng qua dịch bộc lộ những yếu kém hiện hữu là y tế dự phòng và y tế cơ sở thì phải củng cố. Cái quan trọng là nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nguồn nhân lực như đào tạo và thu hút. Dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh nhưng đào tạo nguồn nhân lực thì mất nhiều năm”, Thủ tướng nói.
Đại biểu Ma Thị Thúy.
Chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các chính sách và việc thực hiện chính sách với người dân, người lao động còn nhiều bất cập. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đưa thêm những chính sách như thế nào để hỗ trợ người dân?
Trả lời câu hỏi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực.
Đặc biệt, Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 đã tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ và cơ quan liên quan tiếp tục đề xuất chính sách và chủ động chính sách theo thẩm quyền. Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận thực tế khi áp dụng chính sách còn nhiều bất cập.
Trong thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ cho biết, trước hết cần phải rà soát đánh giá lại chính sách đã thực hiện, từ đó đánh giá nguyên nhân để đưa ra những chính sách mới phù hợp hơn.
“Phải xem cái nào được, cái nào chưa được. Thậm chí phải rà soát lại cả các đối tượng, mức độ, phạm vi hỗ trợ, trên cơ sở đó mới có căn cứ để định ra một số chính sách hỗ trợ phù hợp hiệu quả hơn, trách tiêu cực, trục lợi chính sách, bỏ sót hoặc có những vấn đề như thời gian qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kinh nghiệm rút ra từ việc chống dịch thời gian qua
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn: Với vai trò người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có thể khái quát bài học kinh nghiệm gì cho công tác điều hành, phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, kinh nghiệm rút ra từ việc chống dịch trong thời gian vừa qua là, chúng ta có tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch và từ đó, triển khai chính sách hướng đến người dân.
Ngược lại, người dân cũng phải tham gia chủ dộng, tích cực. Thủ tướng dẫn chứng khi dịch bùng phát, tại TP.HCM đã triển khai ngay "lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài".
"Nhưng như một số ĐBQH đã nói, một số nơi lại hiểu pháo đài như là "lô cốt" và bao vây pháo đài này. Lấy pháo đài này để tổ chức công việc chứ không phải lấy làm pháo đài bao vây và lo sức khỏe cho người dân quá lại thành gây ách tắc", Thủ tướng nói.
Ông chia sẻ, khi tình hình căng thẳng, Tổng Bí thư đã 2 lần ra lời kêu gọi như lời hiệu triệu, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đã được phát huy hiệu quả.
Một bài học nữa theo Thủ tướng là sự ứng phó linh hoạt, bởi đây là dịch bệnh chưa có tiền lệ. Thủ tướng dẫn ví dụ, như khi dịch bùng phát, năng lực y tế cơ sở yếu đã điều quân đội và công an vào, xây dựng 500 trạm xá lưu động rất nhanh, mang lại hiệu quả.
Khi chưa đủ vắc xin, thực hiện biện pháp hành chính, ngăn chặn dịch bệnh thì vấn đề an sinh xã hội phải quan tâm, đầu tư hơn để người dân yên tâm, cùng tham gia phòng chống dịch tốt hơn.
Đồng thời, việc huy động kinh nghiệm và hỗ trợ sự giúp đỡ quốc tế, để có vắc xin là vũ khí quan trọng ngăn chặn dịch bệnh.
Thủ tướng thông tin thêm, quá trình nghiên cứu thử nghiệm vắc xin trong nước đang được thúc đẩy tích cực nhưng quản lý Nhà nước chỉ có thể làm các thủ tục nhanh, gọn để hỗ trợ.
Đối với chuyên môn, có 2 Hội đồng độc lập với quản lý Nhà nước là đạo đức và cấp phép.
Thủ tướng cho rằng nên tin tưởng các nhà chuyên môn tại hai hội đồng độc lập, là hội đồng đạo đức và hội đồng cấp phép. "Vấn đề an toàn với vắc xin là rất quan trọng", Thủ tướng nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng việc ngoại giao vắc xin vừa qua hoàn thành tốt vì thế có nhiều vắc xin về Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp một số thụ động, vậy Thủ tướng cho biết sắp tới có gì căn cơ và chiến lược hơn trong vấn đề vắc xin? Thông điệp của Thủ tướng về phát triển kinh tế trong tháng 11 và 12 có giải pháp căn cơ, đột phá không?
Trả lời câu hỏi này, về chiến lược vắc xin và giải pháp căn cơ cho thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh vừa phải nhập khẩu, kết hợp với sản xuất trong nước.
Xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề cập về chiến lược xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả. Ông đề nghị Thủ tướng nêu cụ thể các giải pháp để triển khai, thực hiện thành công mục tiêu này.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, đây là nội dung được đại biểu thảo luận nhiều và với những việc thường xuyên vẫn phải làm, nhưng tới đây trọng tâm, đột phá, sẽ là thực hiện chương trình phục hồi kinh tế.
Trả lời về mối quan tâm những tháng cuối năm, Thủ tướng nhắc đến một số vấn đề, trong đó có chương trình phục hồi kinh tế. Ông nhấn mạnh đây sẽ là đột phá trong những tháng cuối năm.
Hiện, Chính phủ tích cực xây dựng đề án theo một số định hướng. Đầu tiên là nâng cao năng lực y tế. Quý III tăng trưởng GDP âm vì thực hiện các biện pháp hành chính chống dịch.
Trong chương trình phục hồi phải nâng cao năng lực y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở. Một việc nữa mà ông nhắc đến là xây dựng Quỹ cho phòng chống dịch, Quỹ an sinh xã hội.
Hiện, theo quy định, mỗi lần có sự việc khẩn cấp, việc sử dụng tiền ngân sách gặp nhiều thủ tục hành chính. Việc thành lập quỹ theo luật pháp giúp chủ động hơn trong sử dụng, tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh việc thành lập quỹ sẽ phải bàn và thống nhất cụ thể.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tập trung đầu tư vào con người, vì đây là nguồn lực lớn nhất, là vốn quý nhất. Ông nhấn mạnh con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển. Chính phủ cũng chú ý phục hồi hoạt động cho khu công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đầu tư vào hạ tầng. Nhưng Thủ tướng lưu ý bài toán đầu tư công còn đang khó giải ngân, thì liệu có gói kích thích kinh tế mới có giải ngân được không nếu đầu tư vào hạ tầng.
Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng, cần đầu tư vào hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phục hồi.
Về xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, Thủ tướng cho rằng, để thực hiện được thông điệp này thì Chính phủ phải đổi mới tư duy, hành động và tổ chức thực hiện, do tình hình diễn biến nhanh chóng khó lường. Muốn đổi mới phải có khuôn khổ, pháp lý và thể chế.
Về liêm chính, Thủ tướng nói Chính phủ quyết định các vấn đề mang tính tập thể, tăng cường phân cấp, phân quyền, đi kèm với kiểm tra giám sát và cá thể hóa trách nhiệm để thực hiện kỷ cương kỷ luật sẽ xây dựng quy định, quy chế, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, để kiểm tra giám sát có trách nhiệm người đứng đầu. Vì nhân dân phục vụ trên cơ sở nhân dân là chủ thể cho phát triển.
Theo Thủ tướng, muốn thắng lợi được phải có vai trò của nhân dân, như việc chống dịch thì thắng lợi này là thắng lợi của nhân dân. Để nhân dân phục vụ được thì cần phải làm, xây dựng nền dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường.