Quyết định này được đưa ra dựa trên đề xuất của của nhiều doanh nghiệp tại hội nghi 'Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam' chiều 18/12 tại TP.HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại hội nghịẢNH: TTXVN
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA), cho rằng trong chính sách của Nhà nước cho nông nghiệp cần phải được công bằng. Cần có một mô hình nào đó đủ hấp dẫn ít nhất về vốn. Nếu giải cứu bất động sản đã có gói 30.000 tỷ đồng thì muốn khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp phải có chính sách tương tự.
Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, không bó hẹp nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch cũ trước đây. Địa phương nào và bất cứ ai làm nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Chính phủ sẽ tạo một cơ chế mở hoàn toàn cho doanh nghiệp. Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000 - 60.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
“Tôi chỉ đạo luôn với Ngân hàng Nhà nước gói hỗ trợ này phải mở rộng 5 - 7 ngân hàng tham gia để tạo ra cơ chế thị trường minh bạch thông thoáng, chống chỉ định bao cấp để phát sinh chi phí không chính thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất. Cùng với tín dụng, Thủ tướng đề nghị cần thành lập, phát triển một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành cơ chế đầu tư tín dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó quan trọng nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, hình thành quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Mai Anh (TH theo Thanh niên, Zing news)