Phát biểu trước 600 đại diện doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 tổ chức sáng nay (5/12) tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm nhất quán của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Thủ tướng tuyên bố Việt Nam không đón chào các DN chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường.
Việt Nam hiện đã có 600.000 doanh nghiệp đăng ký; trong đó, có nhiều công ty tư nhân, nhiều công ty cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế như Vietnam Airlines, FPT, Vinamilk, TH True milk, Bitis, Hãng hàng không Viet Jet, Saigon Tourist... Năm 2016 là năm đầu tiên, Việt Nam có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới. Như vậy, bình quân 1 tiếng đồng hồ có 12 doanh nghiệp được thành lập mới, được ra đời.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của lực lượng đông đảo gồm hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể tư nhân trong nước, ảnh hưởng sâu sắc đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp tới năm 2020.
Nhìn lại những đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đã có hơn 21.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động kinh doanh và đầu tư, với gần 300 tỷ USD; trong đó, có nhiều tập đoàn quốc tế danh tiếng. Đây là khu vực kinh tế có tiềm năng, tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển tốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam và đang có sự hợp tác tốt với các khu vực kinh tế trong nước bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân. Cho dù, đó mới chỉ là bước đầu.
Thủ tướng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả khối doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp FDI có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, có trách nhiệm với xã hội và cùng Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường bền vững.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn, các DN FDI với thế mạnh về công nghệ, thị trường sẽ có cam kết hành động cụ thể hỗ trợ tăng cường liên kết để thúc đẩy các DN trong nước cùng phát triển.
“Các doanh nghiệp FDI hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, “Việt Nam không đón chào các DN chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại với những giá trị cốt lõi đã cam kết”. Bởi điều đó không chỉ gây phương hại tới lợi ích, sự phát triển bền vững của Việt Nam mà còn tổn hại tới uy tín của sự mẫu mực trong kinh doanh của nhiều nhà đầu tư khác đang có mặt tại Việt Nam và làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, danh tiếng của thế giới đến với Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh việc đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh sẽ không thể không có một nền kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng, lớn mạnh. Vì thế, sẽ khuyến khích, tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế của người dân phấn đấu đạt mục tiêu cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020; trong đó, có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và lớn mạnh, phát triển vươn lên tầm khu vực và quốc tế.
Thu Trang (TH theo TTXVN, Vnexpress)