Thủ tướng: Chi phí không chính thức sẽ giết chết doanh nghiệp

“Các đồng chí thử tính toán 1 container thông quan nếu cần ‘bôi trơn’ 1 triệu đồng thì 1 năm mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Chính những chi phí không chính thức này sẽ ‘giết chết’ doanh nghiệp".

Thủ tướng nêu vấn đề này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính.

Thủ tướng: Chi phí không chính thức sẽ giết chết doanh nghiệp - Ảnh 1
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông có hỏi một số hộ cá thể tại sao không chuyển thành doanh nghiệp thì nhận được câu trả lời: “Sổ sách, kế toán, nộp thuế phức tạp quá. Cùng với đó, tôi phải đóng bảo hiểm. Ở đây, tôi cứ khai kinh tế hộ đơn giản, nếu quen biết thì nộp ít thôi”.

Bộ Tài chính cần cụ thể hóa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng chính sách tài chính và chế độ kế toán đơn giản để khuyến khích, thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển ngay trong năm 2019, “không thể để một lực lượng doanh nghiệp với tiềm năng phát triển to lớn lại không muốn lớn nhanh như thời gian qua”, Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ người dân của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, còn có dư luận về tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan.

Tình trạng nhũng nhiễu, chung chi, lợi ích nhóm đâu đó vẫn còn, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. “Phải nói thẳng ở đây để cán bộ các cục thuế, hải quan, các chi cục liên quan biết là Thủ tướng, Bộ trưởng, Tổng cục trưởng đều biết vụ việc này để chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh. Còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", “tham nhũng vặt”, chi phí không chính thức.

Thủ tướng dẫn số liệu từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam(VCCI) cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp phải chi trả “phí bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan mặc dù giảm từ 56,4% năm 2016 xuống 53% năm 2017 nhưng còn cao. Bộ Tài chính cần có giải pháp xử lý các điểm nghẽn về thủ tục hành chính trong năm 2019 để bảo đảm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và cơ hội lớn mà các FTA thế hệ mới mang lại là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, Thủ tướng nêu rõ, cơ hội không phải tự nhiên đến với các doanh nghiệp và Chính phủ không để doanh nghiệp đơn độc tự tìm cơ hội. Các bộ, ngành phải có trách nhiệm chỉ ra cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt.

Với Bộ Tài chính, phải chỉ rõ các lĩnh vực, ngành hàng và lộ trình được cắt giảm thuế, cơ hội thâm nhập thị trường thông qua giá cả để nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp Việt Nam. Làm được điều này thì các FTA mới có ý nghĩa, đi vào cuộc sống và việc cắt giảm thuế mới không ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Làm được điều này thì Bộ Tài chính mới tròn trách nhiệm với doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng đặt câu hỏi về tình trạng “cưa ba, cưa tư”

Cho rằng chất lượng thanh tra, kiểm tra của ngành tài chính còn khiêm tốn so với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hằng năm của ngành tài chính rất lớn nhưng kết quả rất thấp. “Tại sao như thế, do trình độ, do cách làm hay do “cưa ba, cưa tư” như dư luận, báo chí đã phản ánh hay do doanh nghiệp đã chấp hành tốt quy định của pháp luật?” Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính có giải pháp tổng thể đối với vấn đề này. Phải ứng dụng công nghệ vào thanh tra, kiểm tra.

Bộ Tài chính cần có bộ lọc, đưa ra hệ thống tiêu chí đo lường doanh nghiệp chấp hành pháp luật tốt và không tốt để ứng xử công bằng, công khai, minh bạch, không làm khó doanh nghiệp. Về nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính phải đi đầu trong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ với nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất, để có sự chuyển biến thực sự.

Thủ tướng đề nghị ngành tài chính phải có giải pháp đồng bộ để tạo không gian tài khóa lớn hơn, có nhiều nguồn lực hơn để điều hành chủ động, linh hoạt hơn. Làm sao hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, giảm bội chi, hướng đến cân bằng ngân sách trong 5-10 năm tới. Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế, làm tốt hơn nữa công tác quản lý thu. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn. Kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng pháp luật.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công, ODA, không để thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Phải xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị thuộc diện cổ phần hóa được duyệt nhưng không triển khai. Cho rằng vấn đề tài sản công đã kéo dài nhiều năm, Thủ tướng đề nghị tập trung giải quyết tốt hơn trong năm nay, trong đó có việc sử dụng xe công, công sở.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành tài chính cần quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội; dành thời gian thăm hỏi các gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình bị ảnh hưởng thiên tai.

Đức Tuân/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục