Tại cuộc họp chiều nay, Thường trực Chính phủ đã nghe, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, dự kiến được ban hành cùng thời điểm với Nghị quyết 01 (do đó, sẽ được lấy số 02 thay cho Nghị quyết 19 trước đây).
Trước đó, dự thảo 2 nghị quyết quan trọng này đã được Chính phủ thảo luận, góp ý tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào ngày 3/12 và tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào ngày 27/11.
Theo dự thảo Nghị quyết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày, kế thừa phương châm hành động của năm 2018 đối với các nội dung "kỷ cương, liêm chính, hành động", coi đó là phương châm xuyên suốt cả nhiệm kỳ của Chính phủ, năm 2019 sẽ là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển, chuẩn bị "về đích". Nghị quyết đưa ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu với 42 nhóm giải pháp cụ thể.
Với nội hàm “bứt phá” cái gì, các ý kiến cho rằng, bứt phá về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, bứt phá để làm sao tăng trưởng mạnh mẽ hơn, làm sao đưa cách mạng 4.0 vào cuộc sống. Đó cũng là sự bứt phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong hành động - một khâu quan trọng cần sự bứt phá mạnh mẽ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhìn nhận dự thảo 2 Nghị quyết đã phản ánh khá đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, đã sát với tinh thần Nghị quyết Trung ương, Quốc hội. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để kịp thời đưa ra tại hội nghị mở rộng Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng này.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 01 không chỉ đơn giản là một bản nghị quyết về kinh tế-xã hội mà là quyết tâm chính trị, khát vọng phát triển của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành.
Về phần bối cảnh tình hình, Nghị quyết cần đánh giá khái quát năm 2018 với các ý chính như sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của các cấp, các ngành; hoàn thành toàn diện, đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu, nhất là “sức khỏe của nền kinh tế”, đời sống nhân dân mọi vùng miền được nâng lên…
Cũng cần nêu bối cảnh năm 2019 kinh tế thế giới được dự báo chậm lại, có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta có phát triển nhưng sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, trong khi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đặt ra các yêu cầu cao hơn, chúng ta thực hiện đầy đủ hơn các cam kết quốc tế đã ký. Cần nói rõ tình hình để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hội nhập, “nếu các địa phương, doanh nghiệp, người dân không sẵn sàng thì sẽ thất bại”, sẽ biến các lợi thế từ các FTA thành bất lợi, Thủ tướng cho biết.
Về phương châm hành động năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thể hiện rõ khát vọng dân tộc khi đây là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Tinh thần là phải dễ nhớ, dễ thực hiện.
Nhất trí với các ý kiến về nội hàm “bứt phá”, Thủ tướng cho rằng, bứt phá đầu tiên là thể chế.
Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2019, theo Thủ tướng, cần bổ sung, làm rõ 3 nội dung. Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Thứ hai, xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ, nhấn mạnh đây là nền tảng để tạo nên bộ máy nói không với tiêu cực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Mọi cấp, mọi ngành, nhất là cấp trung gian, cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến người dân phải làm tốt khâu này, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thứ ba, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đây là những lĩnh vực còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019, Thủ tướng nhìn nhận, dự thảo đã đề cập tương đối đầy đủ các lĩnh vực nhưng cách viết còn chưa mạnh mẽ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt, có điểm nhấn, có nội dung cụ thể, sát thực tiễn, có giải pháp trực diện vào những khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh, xoáy vào những vấn đề bất cập hiện nay chứ không chung chung.
Cần thể hiện cho rõ ổn định vĩ mô là mục tiêu ưu tiên nhất quán, là nền tảng phát triển nhanh, bền vững; lưu ý quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả.
Về ngân sách Nhà nước, cần tập trung chống thất thu, chuyển giá, triệt để tiết kiệm chi tiêu, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Có giải pháp cụ thể hơn nữa tăng cường quản lý tài sản công, các loại tài nguyên, nhất là đất đai. Cần nói rõ quy định nghiêm túc về đấu thầu, áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch.
Cần đề cập mạnh hơn về đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, một trọng tâm của cải cách hành chính công.
Đối với nội dung xuất nhập khẩu, cần thể hiện rõ hơn các nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là thông tin kịp thời hơn tình hình trong nước và quốc tế, theo dõi sát diễn biến tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước, đưa vào mục tiêu phấn đấu cân bằng và thặng dư thương mại bền vững.
Đối với vấn đề kết cấu hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai xây dựng một số công trình tạo động lực cho phát triển và điều rất quan trọng là huy động nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư.
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu bổ sung một khổ về khoa học công nghệ, nói rõ doanh nghiệp công nghệ, áp dụng mạnh mẽ kỷ nguyên số, thanh toán điện tử… coi như một đột phá chiến lược hay “một danh mục trong bứt phá”.
Về vấn đề thúc đẩy và nâng cao hiệu quả cơ chế điều phối vùng, Thủ tướng cho rằng, cần đưa ra giải pháp tốt hơn để phát huy vai trò vùng, một câu hỏi lớn đặt ra mà chưa có lời giải rõ ràng.
Về cơ cấu lại đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại tổ chức tín dụng, năm 2019, phải tạo chuyển biến căn bản về lĩnh vực này với tinh thần hiệu quả, cả về số lượng và chất lượng. “Tại sao cùng một địa phương, có nơi giải ngân rất lớn, có nơi giải ngân rất chậm”, Thủ tướng nói. “Có phải tinh thần trách nhiệm hay là cách làm”.
Nhấn mạnh việc xác định rõ động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng cho rằng, đó là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch, đô thị… “Trong nông nghiệp thì cần chú ý cái gì, hợp tác xã kiểu mới, thu hút hiệu quả doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Dự thảo Nghị thảo 01 cũng cần nêu rõ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực, một bứt phá cho tăng trưởng kinh tế sắp tới.
Không chỉ lĩnh vực kinh tế, theo Thủ tướng, cần chú ý nhiều hơn đến các vấn đề xã hội. Đặc biệt, phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đưa 5 bệnh viện Trung ương và tuyến cuối được xây mới vào hoạt động. Giải quyết cơ bản các vụ khiếu kiện đông người, gây bức xúc. Chú trọng các biện pháp tạo môi trường không tham nhũng, trong đó có biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thực thi nghiêm quy định công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, công tác cán bộ, nhất là công tác đấu thầu dự án đầu tư. Tập trung đấu tranh các loại tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.
Về thông tin truyền thông, Nghị quyết cần thể hiện rõ Chính phủ xử lý nghiêm minh các trường hợp đưa tin sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Chính phủ giao các bộ có chức năng chú trọng vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng.
Về khâu tổ chức thực hiện, một khâu còn yếu cần khắc phục, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần sớm ban hành chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để thực hiện Nghị quyết.
Đối với dự thảo Nghị quyết 02, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là trọng tâm điều hành của Chính phủ về môi trường đầu tư. Cần nêu rõ đặc điểm tình hình năm 2019, từ đó, đặt ra yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Dự thảo cần chỉ ra các mục tiêu ưu tiên để dồn sức chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét. Đối với các mục tiêu cụ thể, cần tăng các chỉ số có mức xếp hạng thấp như khởi sự kinh doanh (xếp thứ 154/190), nộp thuế (131/190), thương mại qua biên giới (100/190), giải quyết phá sản (133/190)…
“Một số tổ chức quốc tế đánh giá vấn đề chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều bất cập. Có nhiều nguyên nhân nhưng chất lượng công tác quản lý hành chính Nhà nước có ý nghĩa quan trọng”, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tập trung nâng cao chất lượng quản lý hành chính Nhà nước, đặc biệt là chất lượng xây dựng, hoạch định chính sách và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Các tỉnh cần có chương trình hành động thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02 này, “chứ không phải ông nói ông không, ông thích làm, ông không thích làm, không được đâu”.
Đức Tuân/Báo Chính phủ