Quy định của Thông tư số 256 /2016/TT-BTC quy định, công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí cấp Căn cước công dân.
Thẻ căn cước công dân. Ảnh minh hoạ.
Theo đó, mức thu lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được quy định ở 3 mức như sau:
Mức thu 30.000 đồng/thẻ được áp dụng cho công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân; đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân.
Mức thu 50.000/thẻ được áp dụng trong trường hợp nếu thẻ Căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được phải đổi thẻ; hoặc thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ.
Mức 70.000 đồng/thẻ được áp dụng đối với trường hợp xin cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, xin được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam sẽ thu ở Căn cước công dân.
Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định trên.
Các trường hợp được miễn lệ phí gồm công dân dưới 16 tuổi; đổi thẻ khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật...
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 và thay thế Thông tư số 170/2015/TT-BTC ngày 9/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Thu Trang (Tổng hợp)