Việc sở hữu nhà ở tại Hà Nội đã trở thành một thách thức không nhỏ đối với người lao động có mức thu nhập trung bình. Thực tế hiện nay giá nhà vốn đã cao, lại không ngừng gia tăng trong khi thu nhập cải thiện không tương ứng khiến khả năng chi trả nhà ở nhà ở Hà Nội liên tục sụt giảm trong vài năm qua.
Người có thu nhập ở mức trung bình có mong muốn sở hữu nhà có thể phải gác lại ước mơ của mình hoặc tìm kiếm cơ hội tại các khu vực có chi phí thấp hơn. Thậm chí, nhiều người dù có thu nhập khá vẫn khó chạm tay tới giấc mơ an cư khi giá nhà vẫn không ngừng thiết lập mặt bằng mới.
Theo dữ liệu nghiên cứu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), mức thu nhập tối thiểu được khuyến nghị để mua một căn hộ có giá trung bình tại Hà Nội cao hơn từ 2,3 đến 10 lần so với thu nhập trung bình của một hộ gia đình.
VARS dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội trong quý III/2024 đạt 10,7 triệu đồng/tháng. Giả định một hộ gia đình có 2 người trong độ tuổi lao động, tổng thu nhập hộ gia đình sẽ khoảng 21,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, giá sơ cấp trung bình của căn hộ tại Hà Nội vào năm 2024 đạt 70 triệu đồng/m2, thậm chí các dự án mới mở bán đều có giá từ 60 triệu đồng/m2 trở lên. Điều này đồng nghĩa, để có thể mua nhà tại Hà Nội, mức thu nhập tối thiểu cần thiết dao động từ 45 triệu đến 210 triệu đồng/tháng, tùy khu vực.
Theo VARS, sự chênh lệch đáng kể giữa thu nhập trung bình thực tế và giá nhà, khiến việc sở hữu nhà ở tại Hà Nội hiện nay không những là thách thức, mà còn là không thể đối với đại đa số các hộ gia đình có mức thu nhập ở mức trung bình, thậm chí là khá.
Đơn cử, tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng hay Tây Hồ, mức lương tối thiểu hàng năm cần thiết để thanh toán thế chấp cao hơn từ 3,7 đến 8 lần so với thu nhập trung bình của hộ gia đình tại Hà Nội. Trong khi đó, tại các quận ngoại thành như Hà Đông, Bắc Từ Liêm hay Long Biên, mức giá nhà được xem là dễ tiếp cận hơn nhưng vẫn đòi hỏi thu nhập từ 40-60 triệu đồng/tháng để có thể sở hữu.
Dựa trên giả định người mua có thể vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ với lãi suất trung bình 8%/năm trong vòng 20 năm và tổng tiền trả góp không vượt quá 40% thu nhập, thu nhập tối thiểu để mua nhà tại các khu vực như Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm hay Gia Lâm vẫn cao hơn từ 2 đến 3 lần so với thu nhập trung bình của người lao động tại Hà Nội. Trong khi đó, tại các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, mức chênh lệch là từ 3 đến 3,5 lần
“Điều này đồng nghĩa là việc mua nhà tại các quận Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm là khả thi hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập điển hình, với điều kiện họ sẵn sàng chịu gánh nặng chi phí, chi nhiều hơn 40% thu nhập cho khoản trả góp hàng tháng”, nghiên cứu của VARS cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc giá chung cư tăng cao xuất phát từ sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu.
Trong 5 năm qua, đặc biệt tại Hà Nội, việc triển khai các dự án mới bị đình trệ, dẫn đến nguồn cung bất động sản trên thị trường ngày càng hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở, vốn bị dồn nén qua nhiều năm, lại không ngừng tăng. Theo quy luật cung cầu, sự khan hiếm nguồn cung này đã tạo ra áp lực lớn đẩy giá nhà tăng mạnh.
Cũng theo ông Đính, tình trạng giá nhà tăng cao còn được thúc đẩy bởi các chủ đầu tư và nhà đầu cơ lợi dụng sự khan hiếm để thổi phồng giá trị bất động sản. Họ tạo ra "bong bóng giá" thao túng cả giao dịch sơ cấp lẫn thứ cấp. Điều này dẫn đến mặt bằng giá bị đẩy lên bất hợp lý, kéo theo giá các khu vực xung quanh cũng tăng theo. Tuy nhiên, đây là sự tăng giá mang tính "ảo," không phản ánh đúng giá trị thực tế của thị trường.
Vietnamfinance
In bài viết