Thông tư 36: "Nới lỏng" hay "siết chặt" cho vay đầu tư chứng khoán?

(Kinhdoanhnet) – Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức ký ban hành Thông tư 36/TT-NHNN trong đó quy định rõ kể từ ngày 1/2/2015 các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối không được phép cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Không được phép cho vay cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ

Sau nhiều thông tin đồn đoán về việc siết chặt nguồn vốn cho vay đầu tư chứng khoán, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ký quyết định ban hành Thông tư 36/TT-NHNN. Trong đó các quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động TCTD, chi nhánh NH nước ngoài có nhiều sự thay đổi được cho là giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh hơn.

Điểm đặc biệt trong Thông tư mới ban hành có quy định kể từ ngày 1/2/2015 tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nợ xấu quá 3% không được phép cho vay đầu tư cổ phiếu
Nợ xấu quá 3% không được phép cho vay đầu tư cổ phiếu.

Đồng thời các ngân hàng thương mại cũng không được phép cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Khoản cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh nước ngoài cho khách hàng để đầu tư cổ phiếu không được bảo đảm bằng chính cổ phiếu đó.

NHTM không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu của chính NHTM, trừ trường hợp cho vay với người lao động.

Thông tư này được ban hành làm ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý nhà đầu tư bởi họ cho rằng việc quy định các tổ chức tín dụng chỉ còn được cho vay đầu tư chứng khoán tối đa 5% vốn điều lệ, giảm rất mạnh so với mức 20% hiện hành sẽ khiến cho nguồn vốn vào thị trường này sẽ bị “bóp” lại và có thể gây phản ứng tiêu cực.

Tuy nhiên theo một vị lãnh đạo vụ chức năng thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết : “Những quy định mới trong Thông tư đã được xây dựng khá lâu rồi, đã trao đổi và giải trình các đầu mối chuyên trách rồi. Tinh thần chung thậm chí là nới và tạo điều kiện để cho vay đầu tư chứng khoán, chứ không phải là siết chặt”.

Theo ông việc quy định giới hạn cho vay tối đa 5% vốn điều lệ thực ra lại rất rộng chứ không hề bó hẹp lại như mọi người vẫn nghĩ, bởi nó chỉ áp dụng đối với cho vay đầu tư cổ phiếu. Còn giới hạn 20% như hiện nay lại là áp dụng với chứng khoán nói chung, mà phần lớn là trái phiếu, còn cổ phiếu chỉ chiếm rất nhỏ.

Điều kiện cấp vốn cho vay

Theo Thông tư 36 quy định rõ các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng đủ các tiêu chí: Đảm bảo giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định; Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Thực hiện phân loại và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; Khách hàng không phải là người có liên quan theo quy định của Thông tư; Khách hàng và người có liên quan không phải là tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên, thanh tra viên thanh tra tại TCTD….

Ngoài ra các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên cơ sở đảm bảo của TCTD khác hoặc trên cơ sở bảo đảm bằng cổ phiếu của TCTD khác. Đặc biệt không được cấp tín dụng trung và dài hạn để kinh doanh, đầu tư cổ phiếu.

Ngân hàng thương mại hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài muốn cho vay đầu tư cổ phiếu cần phải đáp ứng khá nhiều quy định trong Thông tư mới ban hành, trong số các quy định này nhà đầu tư khá quan ngại đối với quy định tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng này không được vượt quá 3%, bởi hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có tỷ lệ nợ xấu khá cao.

Ngoài những nội dung trên thông tư 36 còn thay đổi bổ sung khá nhiều nội dung mới khác. Thông tư này ra đời được đánh giá là một bước tiến lớn đối với yêu cầu tăng cường an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục