Thông tư 36: Gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của hệ thống ngân hàng?

(Kinhdoanhnet) - Đối với các ngân hàng từ trước đến nay hoạt động đầu tư chứng khoán, ủy thác đầu tư dàn trải và cho phép công ty con đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, Thông tư này sẽ gây khá nhiều bất lợi. Tuy nhiên những bất lợi này lại tốt là điều tốt cho hệ thống ngân hàng.

Ngày 21/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố thông tư 36/2014/TT-NHNN, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, quy định giới hạn cho vay và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thông tư mới này thay thế cho một số quy định trước đây như Thông tư 13/2010, Thông tư 19/2010, Thông tư 22/2011 và Thông tư 15/2009…

Theo Thông tư mới ban hành quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với hoạt động đầu tư kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng.

Sau khi thông tư được ban hành có khá nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái thận trọng của NHNN trong việc thắt chặt dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngân hàng không được phép cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ.
Ngân hàng không được phép cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ.

Trao đổi về vấn đề này chuyên gia Tài chính Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ việc quy định giới hạn trong thông tư mới là khá hợp lý sẽ giảm bớt được nhiều rủi ro trong hoạt động cho vay này.

Mở room nhiều hơn cho hoạt động cho vay để mua cổ phiếu nhưng mặt khác lại chặn lại bằng cách không cho phép các tổ chức tín dụng mua quá hơn 5% vốn điều lệ của ngân hàng, Tức là mở ra một đầu, đóng một đầu vì nếu không có chốt 5% khi mở rộng room sẽ quá lớn.

Trên thực tế, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 09/2014 đạt 436.000 tỷ đồng, do đó, mức trần tương ứng sẽ là 21.800 tỷ đồng.

Mặt khác theo con số thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), số dư cho vay ký quỹ tính đến cuối tháng 09/2014 là 15.000 tỷ đồng, trong khi theo ước tính của thị trường, có thêm khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn của các ngân hàng.

Theo ý kiến nhận định của công ty chứng khoán Bản Việt rất khó có thể xác định lượng tiền cho vay ký quỹ từ nguồn các ngân hàng chiếm bao nhiêu % trong con số 15.000 tỷ đồng mà UBCKNN cung cấp, nhưng chắc chắn không chiếm 100%, và phần 5.000 tỷ đồng theo ước tính của thị trường thì không có căn cứ chắc chắn để tính toán. Mức trần ước tính 21.800 tỷ đồng cao hơn nhiều so với số tiền các ngân hàng tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Ngoài việc giới hạn lượng tiền cho vay ký quỹ tại các ngân hàng, Thông tư còn có quy định để một ngân hàng thương mại được cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Theo ý kiến của chuyên gia Hiếu việc hạn chế đối với các tổ chức tín dụng như trên là điều hợp lý bởi tỷ lệ nợ xấu đã cao trên 3% có nghĩa là mức độ rủi ro của ngân hàng đó là cao. Nếu cho đầu tư chứng khoán mức độ rủi ro sẽ tăng lên vì đầu tư chứng khoán là lĩnh vực tín dụng có độ rủi ro rất cao.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những ngân hàng nợ xấu trên 3% trong khi vốn điều lệ lại nhiều bằng nhiều ngân hàng khác cộng lại như trường hợp ngân hàng Agribank. Dĩ nhiên ngân hàng này muốn cho vay đầu tư chứng khoán thì cần phải giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, với những ngân hàng lớn như vậy thì việc xử lý nợ xấu cũng dễ dàng hơn là các ngân hàng nhỏ.

Do tỷ lệ nợ xấu đang khá cao nên Agribank nói riêng và các ngân hàng nói chung số lượng nợ xấu cũng rất lớn nên giới hạn rủi ro cho vay chứng khoán, đầu tư vào chứng khoán là cần thiết vì nó sẽ tăng rủi ro của ngân hàng.

Theo công ty chứng khoán Bản Việt việc quy định tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng phải dưới 3% không phải là một vấn đề lớn vì những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% trong Quý III/2014 sẽ xử lý bớt nợ xấu/bán nợ xấu cho VAMC trước thời điểm cuối năm 2014 để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Ngoài ra, các ngân hàng này cũng phải thỏa mãn các hạn mức tín dụng và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác theo quy định của Thông tư.

Thông tư 36 được ban hành sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đối với các ngân hàng từ trước đến nay hoạt động đầu tư chứng khoán, ủy thác đầu tư dàn trải và cho phép công ty con đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, Thông tư này sẽ gây khá nhiều bất lợi. Tuy nhiên những bất lợi này lại tốt là điều tốt cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải tăng cường và củng cố năng lực tài chính nhiều hơn, tuy nhiên sẽ có nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong thời gian tới khi thực hiện Thông tư.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục